Thượng Hải ngày…

Chị Mộng Hoa thân mến,

        Ngồi đây, sau mười bốn ngày chu du một vòng các nơi nổi danh về lịch sử cũng như về phong cảnh của Trung Hoa, với một mớ ấn tượng hổn độn trong đầu, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để kể cho chị về chuyến đi! Thôi, để cho tiện, tôi cố gắng sắp xếp mọi thứ theo từng mục như sau: ăn ở, chuyên chở, hướng dẫn du lịch, đô thị Trung Hoa, mua sắm, di tích lịch sử, phong cảnh.

Ăn Ở

        Khách sạn ở Trung Hoa rất mới – có lẽ được xây cất mới đây để thu hút du khách từ các nơi trên thế giới, tương tự Việt Nam trong thời kỳ “mở cửa”. Phòng ốc bóng loáng, kiểu cách khá cầu kỳ, dùng vật liệu khá đắc tiền, nhưng – hy vọng tôi không quá khắc khe hay quá thành kiến – tôi thấy dường như người thiết kế nặng về trình diễn mà xem nhẹ tính thực dụng. Mỗi khách sạn có những khuyết điểm khác nhau, chỉ xin đan cử vài ví dụ: nhiều khách sạn để bộ phận tắt/mở đèn của phòng vệ sinh bên ngoài chứ không phải bên trong phòng; hệ thống nước máy không đủ cho nhu cầu của khách sạn; máy truyền hình trong nhiều phòng không hoạt động được (không operational).

        Có một điều hơi lạ là tại một khách sạn ở Bắc Kinh người mướn phòng không sử dụng được quyền không muốn làm phòng, mặc dù nơi quả nắm của cửa vẫn treo tấm bảng có hàng chữ “do not disturb” để cho khách tiện dụng. Chúng tôi khiếu nại thì  được trả lời:  nếu không muốn bồi phòng vào làm việc thì phải gọi báo văn phòng quản lý. Vậy thì tấm bảng “do not disturb” có công dụng gì?

Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang

        Về thức ăn, khó mà nói món ăn nước nào ngon hơn nước nào. Vấn đề khẩu vị của dân tộc, của một vùng địa dư, một sắc thái văn hóa. Cho nên trong mười bốn ngày ở Trung Hoa, tuy ăn không ngon miệng tôi vẫn không thể kết luận các món ăn Tàu ở chính quốc dở hơn thức ăn Tàu bên Mỹ. Với lại, vì khoản ẩm thực được bao gồm trong sở phí du lịch mà du khách đóng cho công ty du lịch, rất có thể thực đơn của chúng tôi đã được ấn định trước ở mức không được cao lương mỹ vị lắm. Những nhà hàng đoàn du lịch được đưa vào ăn uống đều có vẻ quốc doanh; tiệm lớn, bài trí sang trọng, với một đội ngủ người phục dịch đông đảo. Sau buổi ăn tối thường có màn trình diễn văn nghệ ngay tại chỗ, vì nhà hàng có cả một sân khấu khá lớn và khá tối tân. Những nhà hàng chúng tôi đặt chân đến dường như chỉ dành riêng cho du khách, vì không thấy khách bản xứ đâu cả. Nước uống không được “thoải mái” như các tiệm quán bên Mỹ. Khi mới ngồi vào bàn thực khách được cho một ly nước nhỏ uống cho “thấm giọng”. Vị nào thấy chưa đủ gọi xin thêm sẽ được yêu cầu trả tiền nước chứ không miễn phí nữa! Nhưng cũng “may” là trong những ngày ở Trung Hoa ai nấy đều tự hạn chế nước uống, để khỏi đi tiểu nhiều, vì nhà vệ sinh công cọng ở bên đó không nhiều như ở Mỹ, và lại hôi hám.

Chuyên Chở

        Trong phần này tôi đề cập mọi phương tiện di chuyển gắn liền với chuyến Hoa du, từ đường bộ, đường thủy, đến đường hàng không, kể cả chuyến bay từ San Francisco đến Trung Hoa và ngược lại; tất cả đều được bao gồm trong sở phí du lịch mà khách đã trả trước, lúc ghi tên mua dịch vụ du lịch Trung Hoa tại một đại lý du lịch tại Mỹ.

        Chuyển Vận Con Thoi

        Tôi tạm gọi công việc đưa rước tại phi trường, trạm xe lửa, và chuyên chở du khách trên các lộ trình thăm viếng tại địa phương là chuyển vận con thoi. Dịch vụ này, như tôi đã nói trên đây, được bao gồm trong sở phí du lịch của chúng tôi, nhưng thể lệ của công ty du lịch còn ấn định một khoản tiền thưởng (tip) cho tài xế là hai Mỹ kim mỗi ngày cho mỗi đầu người. Với ba mươi chín du khách, cộng thêm một nhân viên hướng dẫn tổng quát (mà họ gọi national tours guide), và một nhân viên hướng dẫn địa phương (local tours guide), đoàn chúng tôi ngồi vừa vặn trên một xe buýt hạng trung với ghế “mềm” (chữ dùng rất thịnh hành ở Trung Hoa, chỉ ghế đệm, để phân biệt với ghế kim khí, hay ghế gỗ mà họ gọi “ghế cứng”), và máy lạnh khá dễ chịu. Chỉ đến khi kết thúc chuyến Hoa du tiêu chuẩn (standard) ở trạm cuối là Thượng Hải vào ngày thứ mười, mười người Việt chúng tôi, vì còn tiếp tục thêm bốn ngày nữa cho chuyến đi Hàng Châu đã mua thêm (optional) từ đầu, mới xử dụng một xe mini bus khá gọn gàng và cũng khá tiện nghi.

        Tài xế rất cẩn thận, lành nghề, và quen thuộc lộ trình. Đường sá khá tốt. Không có nạn nghẽn lưu thông, có lẽ một phần vì lưu lượng xe cộ ở đây không nhiều như các nước khác, và một phần vì không có xe gắn máy trên đường phố. Ngồi trên xe nhìn phố phường và phong cảnh hai bên đường cũng đã là một điều thích thú.

                       

Vạn Lý Trường Thành dài trên 6000 cây số, cao 10 thước, rộng 8 thước

        Đường Sắt

        Giữa các địa điểm du lịch tương đối gần nhau thì người ta cho chúng tôi đi xe lửa. Đó là các đoạn đường Nam Kinh – Tô Châu (bốn giờ xe lửa), Thượng Hải – Hàng Châu (hai giờ), Thượng hải – Tô Châu (một giờ). Dĩ nhiên không thể so sánh với xe lửa TGV (train à grande vitesse) của Pháp, nhưng xe lửa Trung Hoa chạy khá êm, tương tự Amtrak của Mỹ. Tôi chưa có dịp đi xe lửa ở Việt Nam, nhưng mới tháng rồi nghe một người bạn về thăm Việt Nam kể lại đã có dịp đi xe lửa từ Sài Gòn đến Hà Nội. Tôi nhớ anh ta nói về độ lắc của xe, và tôi nghĩ nếu quả đúng như vậy thì xe lửa ở Trung Hoa khá hơn xe lửa Việt Nam rồi.

        Đi theo đoàn du lịch mình được dành nhiều thuận lợi, chảng hạn được đi một toa riêng, không chung đụng với dân chúng, với tiêu chuẩn hạng nhất tức là ghế có số, và lại “ghế mềm.” Trên xe lửa có bán thức uống, thức ăn, nhưng do các người phục vụ bưng đến tận nơi mình ngồi và chào hàng.

        Hy vọng di chuyển bằng xe lửa mình có thể nhìn thấy nhiều vùng dân cư khác nhau nên tôi cố gắng quan sát phong cảnh hai bên đường mong có được một cái nhìn thoáng qua nông thôn Trung Hoa. Tôi đã thất vọng, vì đi xuyên đất nước đó ít ra cả nghìn cây số đường bộ mà tôi không thấy được một làng mạc nào cả. Những gì tôi thấy là những đồng ruộng vắng người – mùa gieo trồng đã qua, mùa thu hoạch chưa tới – và lâu lâu một nhóm dăm bảy nóc nhà ngói mà lối xây cất hoặc có vẻ những chung cư, hoặc giống những công xưởng. Cũng chẳng thấy bóng người ra vào những căn nhà đó. Không biết tôi có hồ đồ chăng khi kết luận rằng dọc đường sắt Trung Hoa là những vùng sản xuất, dân cư có lẽ phải ở xa các trục giao thông.

        Đường Hàng Không

        Chuyến bay từ Mỹ (San Francisco) đến Bắc Kinh của hảng Air China – khoảng mười bốn giờ bay liên tục – chẳng có gì đáng nói, vì cũng như bao chuyến bay quốc tế khác. Tại quốc nội Trung Hoa, để đến những điểm du lịch xa, du khách được vận chuyển bằng máy bay. Đó là các chặn đường Bắc Kinh – Tây An tức cố đô Tràng An (một giờ năm mươi phút bay), Tây An – Quế Lâm, thủ phủ tỉnh Quảng Tây (hai giờ bay), Quế Lâm – Nam Kinh (hai giờ bay).

        Trước chuyến đi, nghe bạn bè và bà con nói về tình trạng tồi tệ của đường bay quốc nội bên Trung Hoa tôi cũng thấy bất ổn trong lòng. Thế rồi hôm rời Bắc Kinh đi Tây An trên chuyến bay nội địa đầu tiên, nỗi lo sợ của tôi tiêu tan. Các máy bay của họ đâu có tệ, cũng những chiếc airbus của Âu châu, hay những chiếc chở khách của Boeing, Mỹ. Phi trình, cất cánh, hạ cánh đều khá êm ái. Phục vụ trên máy bay cũng tạm được. Có lẽ cái thời kỳ của những chiếc máy bay TU “khủng khiếp” do đàn anh Liên Xô quá cố chế tạo đã qua rồi.

        Nói đến hàng không thì cũng nên đề cập đến phi trường. Phi trường Trung Hoa không nhộn nhịp máy bay lên xuống như bên Mỹ, nhưng hành khách thì đông, và phi cảng thì khá rộng lớn. Phi trường Thượng Hải hiện nay là phi trường lớn nhất Á châu. Đi du lịch Trung Hoa do một công ty tổ chức, việc mua vé máy bay đi lại đây đó đều có người lo liệu, nên tôi không thấy khó khăn của công việc này, nhưng tôi nhớ một người Hoa mà tôi quen biết ở Mỹ có lần đã nói với tôi về nỗi khó khăn khi phải tự mình đi mua một vé máy bay trên đất nước đó. Chờ đợi là một chuyện, có vé để mua hay không là một chuyện nữa, v.v. Chuyện này dẫn tới chuyện kia, tôi lại nhớ mới đây nhà văn Phạm Xuân Đài đi Nga về có thuật lại với tôi việc anh phải sắp hàng chở ba tiếng đồng hồ ở nhà ga Mạc Tư Khoa mới mua được một vé xe lửa để đi St. Petersbourg, tức Léningrade. Xã hội trong hai nước “anh em” này có những điểm tương đồng của di truyền!

        Đường Thủy

        Trong mười bốn ngày du lịch Trung Hoa, chúng tôi dùng đường thủy ba lần, ở Quế Lâm, Tô Châu, và Hàng Châu, vì những nơi đó cần phải lênh đênh trên hồ hay trên sông để ngoạn cảnh. Những chiếc tàu nhỏ này khá tiện nghi, chứa khoảng bốn mươi người, có bàn ăn để du khách vừa ngồi ăn uống vừa ngắm nhìn phong cảnh hai bên bờ.

Hướng Dẫn Du Lịch

Công ty đảm trách việc du lịch và nơi ăn chốn ở của chúng tôi bên Trung Hoa là China Focus Tours. Không rõ đây có phải là một công ty du lịch của nhà nước Trung Hoa hay không, nhưng chúng tôi thấy người của công ty này được dành nhiều ưu tiên và dễ dàng trong công tác hướng dẫn du lịch của họ, từ việc mua vé máy bay, vé xe lửa, đặt phòng khách sạn, đặt bàn tiệm ăn cho đoàn du lịch đến việc phối hợp với các hướng dẫn viên du lịch địa phương v.v. Nhờ vậy mà việc du lịch của chúng tôi được thoãi mái, thích thú. Người phụ trách tổng quát, gọi là hướng dẫn viên toàn quốc (national tours guide) đi theo đoàn du lịch trên khắp các chặng đường thăm viếng trên lãnh thổ Trung Hoa. Người này không thuyết trình về du lịch, chỉ chịu trách nhiệm tổng quát về hành chánh, an ninh, v.v. của đoàn. Tại mỗi nơi chúng tôi thăm viếng, hướng dẫn viên địa phương (local tours guide) thuyết trình về nơi đó, như lịch sử, thắng cảnh, v.v. Dường như vị hướng dẫn viên toàn quốc có một số quyền hành đối với các hướng dẫn viên địa phương, vì thỉnh thoảng tôi thấy người này kín đáo nhắc nhở những điểm mà người hướng dẫn địa phương bỏ sót.

         Một cảnh ở Quế Lâm (Quảng Tây) bên dòng Lý Giang

        Phần lớn các hướng dẫn viên du lịch của China Focus Tours có trình độ nghiệp vụ và trình độ học vấn khá. Họ nắm vững đề tài của mình, và nói nhiều ngoại ngữ. Vì đoàn chúng tôi từ Mỹ đến, họ đã cử những hướng dẫn viên thông thạo Anh ngữ phụ trách chúng tôi. Các người này đã tỏ ra lưu loát và nghe tiếng Anh khá chính xác. Một điều tôi nhận thấy là tất cả được đào tạo đồng nhất. Họ trình bày những đề tài khác nhau, và làm việc ở những địa phương khác nhau, nhưng lối thuyết trình có cùng một mẫu mực, chẳng hạn như họ thường có những câu chuyện vui, hay thời sự ngoài lề để cố gây hứng thú cho người nghe. Đến đây, tôi lại nhớ một “tai nạn nghề nghiệp” đẫ xãy ra: có một lần, tại Tây An, một câu chuyện có tính cách thời sự, “nghiêm túc”, nhưng khi kể xong nó bỗng trở thành một câu chuyện cười! Số là hướng dẫn viên hôm đó, một giáo sư dạy sử ở đại học Tây An, như anh ta tự giới thiệu từ đầu, kể cho mọi người nghe rằng có một cán bộ nọ, sau khi về hưu không hài lòng với bổng lộc nhà nước cho, vì nghĩ không xứng với công lao mình cống hiến cho Cách Mạng, bèn than phiền với cấp trên của đương sự, một vị thị trưởng. Ông này đáp rằng đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho anh, mà hãy tự hỏi anh đã làm được gì cho đất nước. Nghe gần dứt câu đó thì nhiều du khách Mỹ trên xe cười lớn và nói, “Kennedy!” Người hướng dẫn du lịch chưng hửng, “Kennedy à?” Sau một thoáng bối rối, anh ta cười chữa thẹn và nói tiếp, “các lãnh tụ thường nói giống nhau.”

        Một điều nữa, là hình như có một sự phối hợp nhịp nhàng trong lịch trình du lịch. Một ví dụ: mỗi khi đoàn du lịch lên xe chờ khởi hành đến một địa điểm mới, người hướng dẫn có nhiệm vụ điểm số và hỏi, đại khái “đã đủ chưa?”, rồi xe mới lăn bánh. Cách thức này đã được lặp lại ở Bắc Kinh, Tây An, Quế Lâm, rồi Nam Kinh. Đến Tô Châu, sau khi lên xe, cô hướng dẫn tại địa phương thay đổi không khí, bảo với chúng tôi rằng “đủ người” câu nói tiếng Hoa có âm vận na ná như “two dollars”, còn “thiếu người” thì nghe như “one dollar”, và cô ta tuyên bố tiếp, “vậy từ giờ trở đi để cho nhanh và gọn tôi chỉ cần hỏi quí vị là one dollar hay two dollars thôi nhé.” Và cả đoàn chúng tôi rất lấy làm thích thú với sáng kiến vui đó. Trạm dừng chân sau Tô Châu là Thượng Hải. Mọi người ngạc nhiên khi câu đầu tiên mà anh chàng tours guide ở Thượng Hải thốt lên, sau khi giới thiệu danh tánh của mình: “One dollar or two dollars?” Và mọi người trả lời “two dollars.” Có lẽ người ta đã ấn định Tô Châu là điểm “thay đổi không khí” và tiếp theo Thượng Hải làm đúng như thế.

Đô Thị Trung Hoa

        Các thành phố Trung Hoa khá lớn. Thị trấn miền núi như Quế Lâm (tỉnh lỵ của Quảng Tây) mà mức dân đã trên một triệu người. Hàng Châu, thành phố nghỉ mát với phong cảnh u tịch, ít nhộn nhịp nhất, cũng không dưới 1.6 triệu dân. Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, xưa kia là cố đô Tràng An, cách Bắc Kinh khoảng chín trăm cây số về hướng tây nam, bây giờ là một thành phố lớn quan trọng của miền trung Trung Hoa, với trên ba triệu dân. Dường như Trung Hoa có một nỗ lực xây thành phố cho lớn. Điều này cũng dễ hiểu, vì dân số của họ đông quá (trên dưới một tỉ ba trăm triệu người). Những thành phố tôi đã đi qua, từ Bắc Kinh, Thượng Hải, đến Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Tây An, Quế Lâm, tất cả đều có những con đường rộng thênh thang, hơn cả đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi của Sài Gòn. Thượng Hải còn lớn kinh khủng, có lẽ hơn cả New York. Với mười ba triệu dân, nó là thành phố đông dân thứ nhì của Trung Hoa, sau Trùng Khánh. Nghe nói Trùng Khánh có ba mươi triệu dân, tôi thật không quan niệm nỗi! Thượng Hải còn lại một khu phố cổ, và ở đây du khách mới thấy lại màu sắc và đường nét kiến trúc Trung Hoa. Anh chàng hướng dẫn du lịch nói một câu thật ý nhị, “đây là phố Tàu của Thượng Hải.”

Tây An (cố đô Tràng An) bây giờ là một thành

phố lớn quan trọng ở miền trung Trung Hoa

        Một điều đáng nói về đô thị Trung Hoa là không có người ăn xin và không có xe gắn máy. Theo tôi hiểu, một tỷ lệ không nhỏ của dân số Trung Hoa có mức sống không lấy gì làm sung túc, và con số người thiếu ăn, thiếu mặc chắc cũng không nhỏ. Nạn ăn xin, không nhiều thì ít, là một hiện tượng mà quốc gia nào cũng không thể loại hết được. Tôi khâm phục họ đã bài trừ được nạn đó. Lưu thông trong các thành phố Trung Hoa được trật tự và an toàn hơn Sài Gòn của Việt Nam nhiều, nhờ sự vắng bóng những chiếc xe gắn máy! Đường phố chỉ có xe đạp và xe hơi các loại nên khách bộ hành cảm thấy thoải mái hơn ở Sài Gòn. Nhớ lại, ở Sài Gòn, nếu phải băng qua đường, dù ở những ngã tư có đèn lưu thông, người đi bộ thấy tính mạng như nghìn cân treo đầu sợi chỉ, vì những chiếc xe gắn máy chạy như tên bắn, và hay vượt đèn đỏ. Nghe nói xe gắn máy bị cấm chạy trong thành phố sau khi Trung Hoa thấy nạn tử vong do loại xe này gây ra khá cao. Tôi cho đó là một quyết định sáng suốt.

        Đèn điều hòa lưu thông đường phố ở Trung Hoa cũng giống như các nơi khác trên thế giới, nhưng riêng ở Nam Kinh tôi thấy có một số ngã tư được trang bị loại đèn lưu thông nhảy số , giống như ta thấy ở vài thành phố Mỹ. Ví dụ người đi đường đang đứng chờ ở một ngã tư thấy đèn hiện con số 48 màu vàng thì hiểu rằng được lưu thông trong 48 giây, và con số sẽ đếm xuống (count down) cho đến số 1 rồi lại hiện con số 6, cũng màu vàng, và lại đếm xuống cho đến 1 (từ số 6 này đếm xuống 1 có tác dụng của khoảng thời gian đèn chuyển sang màu vàng trước khi đổi sang màu đỏ ở hệ thống đèn lưu thông qui ước). Đến lúc đó đèn lại hiện con số 38 màu đỏ, rồi cũng đếm xuống 1 để báo cho người đi đường biết mà dừng lại trong 38 giây trong khi giòng lưu thông của con đường trước mặt được tiếp tục.

Mua Sắm

        Mua sắm là thú vui của các bà. Trong khi đàn ông chúng tôi hay bàn luận về những cảnh trí du lịch thì các bà lại sôi nổi những điều khác, như giá cả, phẩm chất hàng hóa v.v. Những cửa hàng bán sản phẩm cẩm thạch ở Quế Lâm, tơ lụa ở Hàng Châu, áo quần ở Thượng Hải là những điểm thu hút bà nhà tôi và các phu nhân trong đoàn không kém sự thu hút của Vạn Lý Trường Thành, của cảnh đẹp Tây Hồ ở Hàng Châu, hay cảnh hùng vĩ hai bên bờ Lý Giang ở Quảng Tây.

        Đi mua sắm ở Trung Hoa, trả giá là việc phải làm, dù ở tiệm tư nhân, hay nơi quốc doanh. Không ước tính được tỷ lệ nói thách, nhưng một người đồng hành trong đoàn cho biết kinh nghiệm “đau thương” của bà xã anh ta cho thấy nên bắt đầu mặc cả ở mức một phần năm của giá ghi thì an toàn hơn. Cảnh tượng buôn bán bên lề đường ở các đô thị Trung Hoa gợi nhớ Việt Nam, vì cũng bày hàng cùng một cách, cũng mời mọc người mua như thế. Duy có điều, hình như giới con buôn Tàu hung dữ hơn. Ví dụ, nếu mình lỡ trả giá hớ, rồi rút lại ý định mua, có thể bị hành hung đấy! Cho nên cách tốt nhất là đừng mua bán nếu cảm thấy khu vực không được an ninh. Đó cũng là điều mà các hướng dẫn viên du lịch vẫn thường nhắc nhở du khách. Tại Tây An tôi đã thấy một nữ du khách – có lẽ người Hoa bản xứ – bị cô bán hàng túm đầu tóc và đánh; người bạn trai nhảy vào can thiệp liền bị mấy thằng đồng bọn đánh hội đồng. Đoàn du lịch chúng tôi (có hai mươi chín người Mỹ) chứng kiến mà ngao ngán cho “sự đời” ở những nơi con người phải “dành quyền sống” như thế. Tôi cũng nhớ lại hôm thăm quãng trường Thiên An Môn, một người Mỹ trong đoàn chúng tôi cũng trả giá để mua mấy tấm post cards. Anh chàng Mỹ đưa tiền xong, chợt thấy bị hớ, liền đưa trả xấp bưu ảnh, và đòi lại tiền – tờ bạc hai mươi Mỹ kim. Người bán hàng, một thanh niên tầm vóc trung bình theo tiêu chuẩn dân Á châu, sừng sộ. Anh du khách Mỹ bình tĩnh chìa bàn tay có vẻ ra lệnh trả tiền. Người bán hàng bèn móc túi lôi ra tờ đô la trả lại cho người mua. Thú thật, ngay khoảnh khắc người Mỹ kia vừa quay lưng tôi hốt hoảng mà không thốt được một tiếng, vì thấy anh chàng bán hàng thu bàn tay sắp giáng một quả đấm vào lưng hoặc cổ người du khách Mỹ; nhưng cũng trong tích tắc hắn ta bỏ ý định, buông tay xuống. Dĩ nhiên ông khách Mỹ không hay biết gì cả. Có lẽ thấy đối thủ to con, vững chãi quá nên hắn ta tự nhủ, “một sự nhịn, chín sự lành.”

        Nói chung, lối mời mọc khách của người Hoa có tính cách “áp đảo” hơn người Việt – tôi muốn nói aggressive. Đặc tính đó thể hiện đều ở những người làm công việc buôn bán, từ các tiệm, các sạp trong chợ, các nơi trên hè phố của tư nhân, đến các cửa hàng quốc doanh. Có khác nhau chăng là các người bán hàng nhà nước – phần lớn phụ nữ – nhã nhặn hơn và không có vẻ chuẩn bị hành hung như dân ngoài đường phố! Nhưng mình vẫn thấy cái aggressiveness ở họ; họ bám sát con mồi, giới thiệu món này, mời mua món kia, sẵn sàng thương lượng lại giá cả, làm mình thấy áy náy trước nhiệt tình của người bán nếu không mua món gì.

Nơi nghỉ mát của Đương Minh Hoàng và Dương Quí Phi

Di Tích Lịch Sử

        Những di tích lịch sử của Trung Hoa thì nhiều và nổi danh không chỉ riêng đối với Việt Nam hay Á châu, mà còn đối với cả thế giới nữa. Cho nên phần quan trọng trong chuyến Hoa du, theo tôi, là viếng những công trình lịch sử tồn tại từ bao nhiêu nghìn năm của nước này. Trong mười bốn ngày chúng tôi đã viếng bảy điểm du lịch: Bắc Kinh, Tây An, Quế Lâm, Nam Kinh, Tô Châu, Thượng Hải, và Hàng Châu. Nhưng di tích lịch sử tập trung nhiều nhất ở hai nơi: Bắc Kinh và Tây An.

        Ở Bắc Kinh tôi đã đứng trên quảng trường Thiên An Môn, nơi năm 1989 đã xảy ra cuộc đàn áp những người Trung Hoa đòi dân chủ. Sau quảng trường Thiên An Môn, đoàn du lịch vào xem Tử Cấm Thành (Forbidden City), nơi ở chính thức của vua và hoàng tộc từ các triều đại Liêu, Kim, Nguyên, Minh và Thanh. Khu vực Cấm Thành rộng lớn như một thành phố nhỏ, với nhiều cung điện, nhiều dinh thự xưa. Nhìn những căn phòng với lối kiến trúc xưa, tối tăm, ẩm thấp, tôi bỗng nghĩ đến những lãnh cung trong Cung Oán Ngâm Khúc; những người con gái bạc mệnh ngày xưa và nhưng quân vương hờ hững bỏ quên họ suốt một đời dài, giờ ở đâu, tan theo cát bụi, hay có gặp nhau ở một thế giới nào? Rồi đi thăm những hoa viên xưa, rồi nơi nghỉ mát của Từ Hy Thái Hậu. Trong số những di tích ở Bắc Kinh tôi thích khu Hutong, một khu dân cư xưa cả nghìn năm, với nhà cửa, đường phố rất giống Hội An, và tôi thấy rõ phố cổ Hội An là cái mẫu mà người Tàu mang sang. Tôi cũng tìm thấy lại Hội An hôm viếng Tô Châu mười ngày sau đó.

        Trong bốn ngày ở Bắc Kinh tôi cũng được viếng hai nơi đáng xem: khu lăng tẩm nhà Minh ở ngoại thành Bắc Kinh – những di tích lịch sử xưa cả bảy, tám trăm năm – và Vạn Lý Trường Thành.

        Nhìn những đồ đá chạm trổ khéo léo tôi nhớ lại có đọc ở đâu rằng nhà Minh là triều đại đã để lại nhiều công trình nghệ thuật giá trị nhất, so với các triều đại khác trong lịch sử Trung Hoa. Tôi tin điều đó khi thấy tận mắt những công trình điêu khắc bằng đá đồ sộ và tinh vi, chẳng hạn như những tượng thú vật và người đặt hai bên lối đi dài cả cây số dẫn vào khu mười ba ngôi mộ của các vua Minh, hay cách kiến trúc các hầm mộ ở sâu dưới đất, hoặc xem các sản phẩm đồ gốm làm theo phương pháp thời nhà Minh. Rồi những ngày kế tiếp viếng thăm các nơi khác, chúng tôi lại cũng được nhân viên du lịch giới thiệu vài di tích khác của nhà Minh, thêm một điều chứng tỏ nhà Minh là triều đại đã để lại một di sản văn hóa không nhỏ trong lịch sử Trung Hoa.

        Vạn Lý Trường Thành có từ thời lục địa Trung Hoa còn bị chia năm xẻ bảy dưới thời Chiến Quốc, khoảng hai nghìn năm trăm năm nay; mỗi đoạn thành rời rạc chỉ để bảo vệ một nước. Khi Tần Thủy Hoàng diệt hết sáu nước, thống nhất Trung Hoa, ông đã cho nối các thành lại thành một dãy thành dài, và ngày nay tên tuổi vị vua nổi tiếng tàn bạo nhất Trung Hoa kia đã gắn liền với Vạn Lý Trường Thành. Thành dài trên sáu nghìn cây số, cao mười thước, rộng tám thước. Tôi nghĩ với mấy nghìn năm sương tuyết gió mưa, nhiều đoạn thành chắc đã sụp lở, và đoạn thành gần Bắc Kinh đã được trùng tu cho mục đích du lịch, vì tôi thấy thành ở đây còn trong tình trạng tốt. Dù sao, điều mãn nguyệt nhất đối với tôi trong chuyến Hoa du này là được leo những bực cấp bằng đá của Vạn Lý Trường Thành, công trình duy nhất của con người dưới trái đất mà người bay ngoài không gian có thể nhìn thấy! Thành chạy xuyên qua núi đồi trùng điệp. Nó rào kín biên giới phía bắc của Trung Hoa thời xưa; bên kia Trường Thành là Mông Cổ mà ngày nay một phần thuộc Trung Hoa (Nội Mông). Mỗi đỉnh núi có một tháp canh. Tôi đã leo ba trăm năm mươi sáu bực cấp để lên xem một tháp canh. Một dịp tập thể dục, và một dịp nhớ lại những lần leo núi gian nan một thời chinh chiến của mình. Đứng trên tháp canh cao nhìn đường thành uốn khúc qua núi đồi chập chùng, nhìn những tháp canh khác xa tít tắp rồi mất hút trong sương khói, mình, một người của mấy nghìn năm sau, thấy dâng lên trong lòng một tình cảm lẫn lộn: thán phục và cảm thương. Thán phục cái việc “đội đá vá trời” của người xưa, nhưng lại nghĩ mình đang đứng “thưởng thức” cái tường thành mà trung bình một thước tốn một mạng người; bức thành như nỗi thống khổ hóa thạch của bao triệu sinh linh!

        Thời xưa các tháp canh trên Vạn Lý Trường Thành đều có trống, và tồn trữ phân chó sói làm nhiên liệu đốt để gây khói. Khi phát giác địch tiến đến, người ta đánh trống và đốt lửa gây khói để các trạm kế tiếp nghe thấy và tiếp tục truyền đi tín hiệu báo động về tới kinh đô. Lối báo động chiến tranh kia – vừa dùng vận tốc ánh sáng, vừa dùng tốc độ âm thanh – đã trở thành một điển tích tượng trưng cho một thảm họa lớn của nhân loại, nạn binh đao:

                           Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt

                           Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

                                         (Đoàn Thị Đểm, Chinh Phụ Ngâm)

        Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, chín trăm cây số tây nam của Bắc Kinh, là nơi có nhiều di tích lịch sử xưa hơn Bắc Kinh. Đây là cố đô Tràng An. Người hướng dẫn du lịch, một giáo sư sử học tại đại học Tây An, nói rằng trong số hơn một trăm vị vua của Trung Hoa thì sáu mươi sáu vị đã đóng đô tại đây. Ngoài cổ thành Tràng An ra, hai nơi đáng nói nhất là khu mộ Tần Thủy Hoàng và nơi Đường Minh Hoàng vui chơi với Dương Quí Phi. Tất cả tọa lạc gần chân Ly Sơn, cách Tràng An khoảng ba mươi cây số về phía đông.

        Nhìn cổ thành Tràng An, người đời sau mới thấy cái bề thế, vững vàng của một nước Trung Hoa cách nay mấy nghìn năm. Mặt thành Tràng An dày khoảng hai mươi thước. Thành cao mười hai thước, vây bọc một chu vi mười bốn cây số. Đứng trên mặt thành tưởng như đứng trên một xa lộ! Nhìn xuống có thể thấy thành phố Tây An đang nhộn nhịp dưới kia.

Một chiếc cầu qua sông Dương Tử, khúc gần Nam Kinh

 

        Năm 1974 người ta mới khám phá và khai quật tại vùng mộ Tần Thủy Hoàng những hầm chứa trên sáu nghìn người ngựa bằng đất nung được chôn theo nhà vua. Đó là những binh mã đi theo để bảo vệ vị bạo chúa trong cõi chết! Một điều khác thường là diện mạo những quân tướng bằng đất nung đó không giống nhau như những pho tượng đúc hàng loạt. Người ta nói đến giả thuyết là mỗi tượng được nặn theo đúng kích thước, diện mạo của binh tướng thật sự của Tần Thủy Hoàng. Công cuộc tìm kiếm, khai quật vẫn tiếp tục vì người ta vừa khám phá nhiều người ngựa nữa. Tôi đã trông thấy mông một con ngựa – đầu và bụng vẫn còn nằm trong lòng đất – và chợt hiểu cái khó khăn, cái kiên nhẫn của công việc đào bới những di tích lịch sử kia; không khéo léo, cẩn thận thì hư sự hết!

        Nơi nghỉ mát của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi gồm những nhà xưa bên bờ một hồ lớn, nằm dưới chân một quả núi. Toàn cảnh rất nên thơ. Những cây liễu rũ quanh hồ càng tăng thêm vẻ thần tiên của cảnh trí. Một bức tượng trắng gần khỏa thân bên bờ hồ mà hướng dẫn viên du lịch bảo là tượng Dương Quí Phi làm mọi người chú ý. Tượng phô bày hình ảnh một người đàn bà đẹp từ thân hình đến khuôn mặt. Mái tóc dài vấn cao để lộ chiếc cổ dài trắng ngần. Có người bảo pho tượng làm hư cảnh xưa, vì hình ảnh đi ngược với luân lý, phong tục của người xưa; lại nữa, làm gì còn hình ảnh người đẹp Dương Quí Phi sống cách nay cả nghìn năm để đời sau biết mà tạc tượng. Tôi thì vẫn thích có một hình tượng để hình dung con người đẹp đến mức làm lung lay cơ nghiệp nhà Đường cách nay hằng mươi thế kỷ, dù giống người thực hay không. Và với tôi bức hình chẳng làm hư khung cảnh xưa, hay ngược luân lý một thời nào, vì trong thâm tâm người xưa cũng thấy rằng luân lý nào cũng chỉ là những lớp xiêm y, không hơn, không kém.

Phong Cảnh

        Di tích lịch sử còn nhiều, nhưng tôi chỉ lược thuật vài nơi chính, kẻo chị lại than mệt phải đọc một sớ táo quân dài ba thước về những điều lỉnh kỉnh tận bên Tàu. Tôi muốn phần còn lại của bức thư này đem đến chị vài phong cảnh của thực tại để thay đổi cái không khí nhàm chán của “chuyện xưa tích cũ” chị đọc từ đầu tới giờ. Tôi sẽ kể cho chị về các nơi đã để lại những ấn tượng khó quên trong tôi. Đó là Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, và Quế Lâm.

        Nam Kinh

        Tuy Nam Kinh có những công viên đẹp, đường phố lớn nhộn nhịp và con sông đào nên thơ trong thành phố, nhưng ấn tượng rõ nét nhất của tôi nơi đây là dòng sông Dương Tử chảy gần đó. Bờ bên kia xa tít tắp, chìm trong sương khói, mặt sông mênh mông với màu nước đục ngầu. Đây quả đúng là con sông lớn nhất Á châu, và lớn thứ tư trên thế giới. Nó phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, dài năm nghìn rưỡi cây số, chảy về hướng đông-đông-bắc ra biển Trung Hoa. Bờ bắc của con sông được gọi Giang Bắc, và bờ nam là Giang Nam. Vùng Giang Nam gồm các thành phố Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu. Một điều đáng nói nữa là chiếc cầu dài bắt qua sông Dương Tử mà theo bà hướng dẫn du lịch là một tự hào của ngành cầu cống Trung Hoa. Cầu có hai tầng; xe lửa chạy bên dưới, xe các loại khác chạy ở trên. Bà ta cho biết mỗi ngày có năm trăm chuyến xe lửa chạy qua cầu. Nhìn lưu lượng xe hơi qua cầu, tôi có thể thấy cây cầu này là một trục giao thông huyết mạch, nhưng tôi không nghĩ có đến năm trăm chuyến xe lửa mỗi ngày. Chúng tôi dừng bên đầu cầu để ngoạn cảnh, chụp ảnh, quay phim ít nhất khoảng bốn mươi lăm phút mà chỉ thấy có hai chuyến xe lửa qua cầu từ bên bờ bắc, tức trung bình cứ hai mươi phút có một chuyến. Nếu cho rằng một ngày là hai mươi bốn giờ, ít nhất trung bình bốn phút phải có một chiếc xe lửa chạy qua, mới có đủ số năm trăm chiếc. Còn tính mười hai giờ là đơn vị ngày thì con số năm trăm chiếc càng không thể có.

        Tô Châu của Tây Thi Gái Nước Việt

        Đến Tô Châu tôi thất vọng, vì thành Cô Tô và chùa Hàn San không có trong chương trình thăm viếng. Tôi biết hai tên đó từ ngày nhỏ qua mấy câu thơ chữ Hán trong bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế

                                     Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự

                                     Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

mà Tản Đà đã dịch:

                                     Thuyền ai đậu bến Cô Tô

                                     Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

        Được biết thành Cô Tô và các di tích khác ở Tô Châu bị tàn phá nặng nề qua nhiều biến cố, từ cuộc chiến tranh Trung – Nhật hồi thập niên 1930 đến cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông chủ trương nên chẳng còn gì. Và có lẽ nơi đây cũng không còn là một điểm quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch nên chính phủ Trung Hoa không trùng tu lại các di tích đó. Tuy nhiên Tô Châu là một thành phố khá xinh. Nó được mệnh danh là Venise của phương Đông, vì có một hệ thông kênh đào và rạch gần như khắp thành phố, ngoài con sông đào lớn (Đại Vận Hà) dài gần một nghìn tám trăm cây số nối với sông Dương Tử, một công trình do Ngũ Tử Tư thực hiện từ thời xa xưa. Nhà cửa, đường phố nhỏ hẹp gợi nhớ Hội An của Việt Nam. Những chiếc cầu ở đây khiến tôi liên tưởng đến mấy vần thơ của Hồ Dzếnh:

                                     Tô Châu lớp lớp phù kiều

                                     Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam

                                                                               (Hồ Dzếnh, Đợi Thơ)

        Nhân trích hai câu thơ trên đây tôi bỗng thấy thinh thích trong lòng, vì ba địa danh được nói đến, Tô Châu, Dương Tử, Giang Nam, mình đều đã đặt chân đến. Tôi đã đến Nam Kinh một chiều nọ, chẳng phải Giang Nam là gì? Duy có điều bầu trời hôm ấy âm u, toàn một màu xám chứ không lơ lửng những áng mây nhiều màu để mình được ngắm mây chiều Giang Nam, và cũng không có dịp đứng bên cầu chờ đêm xuống để thấy trăng đêm Dương Tử tỏa sáng trên mặt sông.

        Tô Châu còn hai điều nổi tiếng nữa là gái đẹp và tơ lụa. Về điểm thứ nhất, tôi không biết có đúng không, vì những người con gái tôi thấy ở đây cũng “thường thường bậc trung.” Có lẽ danh truyền từ đời xưa qua người đẹp Tây Thi giặt lụa bên bờ sông ở thôn Trữ La – lại một địa danh lịch sử và văn học nữa mà Anh Vũ đã nhắc trong một bài thơ của mình, Người Con Gái Huế:

                                       Sông Hương mấy độ vàng hanh nắng

                                        Gió chẳng se lòng lụa Trữ La

        Và có lẽ dư âm nghìn xưa cũng đã khiến Hồ Dzếnh, nhà thơ của nghìn sau, tương tư những bóng hình diễm kiều của quê nội mình::

                                         Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu

                                         Tóc thề che mướt gái Tô Châu

                                                                 (Hồ Dzếnh, Tư Hương)

hay đã khiến nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy lúc đứng bên cầu biên giới Việt-Hoa phải thốt lên:

                                          Ôi giấc mơ xưa

                                          Mộng đời phiêu lãng giang hồ

                                          Sống trong lòng người đẹp Tô Châu

                                          Hay là chết bên giòng sông Danube

                                          Những đêm sáng sao…

                                                          (Phạm Duy, Bên Cầu Biên Giới)

        Nhưng cô hướng dẫn du lịch khá xinh; sinh trưởng và lớn lên ở đây, như cô cho biết. Đừng đi tìm những trang quốc sắc thiên hương, những nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành thì du khách hôm đó đã được nhìn người đẹp Tô Châu đang nói chuyện với mình đấy. Trong lúc xe đang chạy, có lẽ để lấp khoảng “thời gian chết,” người hướng dẫn tổng quát đề nghị người hướng dẫn địa phương ca một bài giúp vui. Cô ta nói không nhớ ca khúc nào trọn vẹn, ngay cả bài quốc ca Trung Hoa, nhưng cô sẽ ca những đoạn mình còn nhớ của bài ca đó. Giọng ca không tệ chút nào. Tôi đã từng nghe âm điệu của bài ca này hồi trước, trong những lần tình cờ thoáng nghe những buổi phát thanh của đài Bắc Kinh, và tôi vẫn cho đó là một trong những bài quốc ca hay trên thế giới, trong đó có La Marseillaise của Pháp, The Stars Spangled Banner của Mỹ, v.v. Tôi nhìn cô, ngẫm nghĩ mà cười thầm trong lòng, “dẫu sao cô cũng là gái nước Việt, như Tây Thi vậy, vì đất này hồi xửa hồi xưa vốn là quê hương của các nhóm dân Bách Việt.”

Tô Châu, một Venise của phương đông

        Danh tiếng tơ lụa thì dễ thấy. Đoàn đã được đưa đi xem nơi làm ra sản phẩm này. Cô hướng dẫn đã thuyết trình về kỹ thuật nuôi tằm ươm tơ – từng giai đoạn, từ trứng bướm nở ra tằm đến giai đoạn cái kén cho tơ… Các mẫu bướm, trứng bướm, tằm nhỏ, tằm lớn (tằm chín), và kén được đựng trong những lọ thủy tinh có dung dịch khử trùng để du khách thấy hình thù thật sự chứ không phải “mua trâu vẽ bóng.” Tôi lớn lên ở quê nội Kỳ Lam, Quảng Nam, đã chứng kiến công việc trồng dâu chăn tằm từ ngày nhỏ, nên chẳng thấy khó khăn hình dung những gì người đẹp Tô Châu trình bày hôm đó. Nhưng tôi học được một điều: loài bướm ở đây lớn hơn bướm tằm của Việt Nam, và do đó con tằm cũng lớn hơn, nhả những sợi tơ đặc biệt, màu trắng thay vì vàng; và cây dâu tằm ở đây cũng khác, thân cây to và lá lớn hơn.

        Hàng Châu

        Về Hàng Châu, nổi tiếng là Tây Hồ. Mặt hồ rộng mênh mông, bờ xa tắp lung linh trong sương khói. Hôm chúng tôi đến, trời âm u, mặt hồ bị một làn sương mỏng phủ lên nên cảnh giống những  nét vẽ trong các tác phẩm hội họa xưa của Trung Hoa. Theo những người đã đặt chân đến đây trước, dường như Tây Hồ luôn luôn chìm trong sương khói như thế. Có thể đó là một đặc điểm của thiên nhiên ở đây. Nói đến đặc điểm thiên nhiên, tôi nhớ Hàng Châu nổi tiếng về hiện tượng sóng thần. Đầu tháng Chín vừa rồi, trước ngày lên đường Hoa du vài tuần, vợ chồng tôi đã xem trên đài truyền hình CNN cảnh sóng thần ở Hàng Châu chồm lên nhận chìm hằng trăm du khách đang đứng xa bờ; may mắn là chỉ gây thương tích, không gây tử vong! Khúc sông Tiền Đường đổ ra biển là nơi thường có những đợt sóng lớn vào khoảng tháng Tám dương lịch hằng năm, chắc là do một hiện tượng địa chấn nào đó mà chỉ riêng lòng sông này mới có, hoặc do sự kiện nơi đây là giao điểm của ba con sông đổ ra biển. Có thể Nguyễn Du đã nói đến hiện tượng này ở đoạn nàng Kiều nhảy xuông sông tự vẫn:

                                   Triều đâu nổi sóng đùng đùng

                                   Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường

                                                           (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

        Tôi cho đó là một kỳ quan đáng xem, trong khi bà xã tôi và các bà trong nhóm thì phản đối kịch liệt cái ý nghĩ đi xem “thiên tai” kia. Nhưng hướng dẫn viên du lịch đã trấn an các bà rằng không dễ xem đâu, phải đúng mùa, đúng thời điểm v.v. Và như vậy tôi đã được thấy sông Tiền Đường, con sông đã đi vào tác phẩm văn chương lớn của Việt Nam, dù chỉ thấy xa xa, và nhìn từ xa thì con sông nào cũng giống nhau!

Một ngôi nhà xưa ở Tô Châu

        Người hướng dẫn du lịch cho xe chạy dọc theo sông Tiền Đường hôm ấy là cốt cho đoàn lên thăm ngôi chùa đồ sộ mang tên Lục Hòa trên đỉnh núi cao chế ngự giòng sông, nhưng ai nấy đã thấm mệt nên chúng tôi chỉ ngồ xe dòm lên thôi. Sau này tôi cứ tiếc hùi hụi đã không có dịp nhìn bao quát sông nước Tiền Đường từ trên cao. Căn cứ vào các nguyên tắc, định luật về phong thủy, địa lý, người xưa đã xây ngôi đền này để ếm sông Tiền Đường, không cho nó nổi cơn thịnh nộ gây các đợt sóng thần, những trận lũ lụt thiệt hại cho cư dân trong vùng.

        Trong bửa ăn trưa ở một nhà hàng tại Hàng Châu, nhà biên khảo Lê Văn Lân đã gọi món Tô Đông Pha Trư Nhục (thịt heo Tô Đông Pha), tức thịt heo kho với một loại rượu, để mọi người thưởng thức một món ăn đã đi vào lịch sử địa phương, hay lịch sử Trung Hoa cũng vậy. Nếm miếng đầu tiên tôi nhận ra ngay cái vị thịt heo kho tàu của người Việt. Có lẽ món này đã được truyền qua Việt Nam từ thời Tô Đông Pha trở về sau, và người ta chỉ biết đó là lối nấu của người Tàu nên gọi vắn tắt là thịt kho tàu, chỉ khác là người Việt không kho với rượu. Bác sĩ Lê Văn Lân lại phải trình bày lai lịch món ăn này cho cả nhóm hiểu: nhà thơ Tô Đông Pha đời Tống từng là quan đầu tỉnh Chiết Giang, đóng ở Hàng Châu, và trong một tiệc đãi tất cả những người dân đã có công hoàn thành công trình làm Tây Hồ ông đã chỉ cách kho thịt heo bằng rượu (loại rượu gì, chắc phải hỏi lại nhà biên khảo Lê Văn Lân), và từ đó món ăn mang tên ông, và được mọi nhà ở đây ưa chuộng.

        Quế Lâm

        Tôi dành Quế Lâm để kể với chị sau cùng không có nghĩa nó là chặng chót của chuyến du lịch – thực ra, nó là địa điểm thứ ba theo thứ tự hành trình qua bảy địa điểm của đoàn. Chỉ vì tôi muốn kết thúc bức thư bằng đoạn nói về một nơi nổi danh đẹp nhất Trung Hoa.

        Quế Lâm, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Tây, một tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, có nhiều phong cảnh rất đẹp. Chúng tôi ngoạn cảnh trên một du thuyền có khả năng chở bốn mươi khách. Thuyền rời bến, chạy ngược giòng Lý Giang một quảng xa, rồi từ từ xuôi giòng. Hai bên bờ là những khung cảnh đẹp như những bức tranh sơn thủy Tàu. Khúc gần thượng nguồn giòng sông chảy xiết hơn, và hai bên bờ núi lấn ra sát mé nước, không có lấy một tấc đất bằng phẳng, nên không có dân cư. Càng xuôi giòng thế đất càng thay đổi, đẩy núi lùi vào xa, và làng mạc bắt đầu ẩn hiện sau những khóm tre. Nhưng, tất cả hai bên bờ, dù có dân cư sinh sống hay hoang vắng, đều đẹp đến nín thở mà nhìn! Cả một vùng trải dài mấy chục cây số hai bên bờ, với vô số ngọn núi hình thù kỳ lạ, ngoạn mục, đến nỗi suốt bốn tiếng đồng hồ du khách nhìn không chán. Ở Quảng Nam, ngược sông Thu Bồn đến khúc gần nơi phát nguyên của nó người ta thấy vài vách núi tương tự như ở Quế Lâm. Đó là vùng Hòn Kẽm Đá Dừng. Hai câu ca dao của địa phương Quảng Nam – tôi thích nghĩ là diễn tả tâm trạng nhớ nhà của cô dâu mới từ miền xuôi lấy chồng ở nơi thâm sơn cùng cốc của xứ Quảng – truyền tụng từ xưa, có đề cập đến địa danh này:

                                        Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

                                        Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!

        Thỉnh thoảng hướng dẫn viên chỉ cho khách xem đỉnh núi này tên “con gà trống,” đỉnh núi kia tên “hai cha con,” v.v. ôi thôi, không bút nào tả xiết. Tôi còn muốn quay lại Quế Lâm một lần nữa. Người hướng dẫn du lịch còn cho biết Quế Lâm có loài vượn trắng ít nơi nào có. Anh ta nói nếu chúng tôi muốn xem những con thú đó thì anh sẵn sàng đưa đi xem, nhưng phải chịu khó dậy sớm – vào khoảng sáu giờ sáng – vì chúng thường đến những công viên có những người tập Tài-Chi vào giờ giấc đó để được họ cho ăn. Và không ai trong chúng tôi “chịu khó” cả, nên đã không xem được vượn trắng! Chi tiết loài vượn trắng đã làm tôi liên tưởng đến truyện ngắn The White Monkey của nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tan). Chuyện kể về bà vợ xinh đẹp của một viên quan bị con vượn trắng chúa một bầy vượn bắt cóc khi kiệu của viên quan và đoàn tùy tùng đi ngang một vùng núi non hiểm trở. Con vượn “tôn thờ” người đẹp chứ không hề động chạm đến thân thể ngọc ngà của bà, và nuôi bà chu đáo … Tôi nhớ lại truyện này chỉ để hy vọng bối cảnh của nó là vùng Quế Lâm.

        Bấy nhiêu, hy vọng chị hình dung một phần nào chuyến Hoa du của tôi. Có lẽ đối với một người Việt sinh ra, lớn lên trên đất nước mình, như thế hệ chúng ta chẳng hạn, chuyến du lịch Trung Hoa có một ý nghĩa đặc biệt hơn các nơi khác. Đó là một chuyến đi không chỉ thuần viếng thăm một đất nước xa lạ. Xứ sở nào cũng có phong cảnh, nền học thuật, những trang sử, những giai đoạn thăng trầm đầy tự hào để khoe với khách; ở Trung Hoa tất cả những điều đó có một ý nghĩa riêng với một du khách người Việt như tôi, như chị. Lịch sử, văn minh, văn học của đất nước mình gắn liền với Trung Hoa như bóng với hình. Nghe nhắc đến một địa danh, nghe kể về một di tích lịch sử, dù chúng ta chưa biết vẫn cảm thấy gần gũi, không có cái cảm tưởng xa lạ của sự việc mới nghe lần đầu, đúng như Hà Thượng Nhân đã viết:

                                     Ở Trung Quốc ta chưa hề đến đó

                                     Mà thân quen như mảnh đất quê hương

                                            (Hà Thượng Nhân, Để Tiễn Người Đi Trung Hoa)

        Tôi thấy chuyến đi như một hành trình khám phá, kiểm chứng, xác định…

                                                                  Ngày 10 tháng 11 năm 2000

                                                                            Hà Kỳ Lam