LES ETOILES

(Récit d’un berger provencal)

Truyện của Alphonse Daudet

HÀ KỲ LAM dịch

Lời người dịch.

Tại Montreal, Canada, vừa rồi, do một tình cờ tôi bắt gặp tập truyện Lettres de Mon Moulin của văn hào Alphonse Daudet, một cuốn sách gối đầu giường thời học trò của mình. Tôi đã bồi hồi lật từng trang sách cổ điển đó. Giữa bao nhiêu truyện ngắn mà tôi đã đọc đi đọc lại, đã nghiền ngẫm từ thời hoa niên, “Ngàn Sao” vẫn còn đó, đang long lanh nét lãng mạn, đa tình, và thánh thiện của một chàng trai hai mươi. Những trang sách đánh thức mớ cảm xúc xưa cũ, mời gọi tôi đọc một lần nữa. Tôi đã mua cuốn sách mang về Mỹ.

Hồi ký của chàng chăn cừu xứ Provence, miền nam nước Pháp, đã mê hoặc tuổi trẻ của tôi ngày trước, và bây giờ vẫn là những tia sáng tuyệt đẹp, bất diệt, chiếu rọi từ một quá khứ thần tiên. Tôi tự hỏi nỗi lòng của một chàng trai sống cách đây 130 năm và rung cảm của người dịch, một rung cảm xưa cũ đã trên bốn thập niên rồi, liệu có ngô nghê, kỳ quặc, hay lỗi thời trong thế giới của nhạc disco, của văn chương và phim ảnh hiện thực đến phàm phu ngày nay không. Có thể cảm nhận của mình thường chủ quan, vì tôi nhớ một ai đó đã nói rằng những gì làm rung động tâm hồn ta thời thơ ấu chính là những điều tạo nên cá tính ta sau này. Vậy thì có thể riêng một mình tôi mê câu chuyện này, có thể đó là cá tính của tôi, và không phải ai cũng thích nó. Nhưng, tôi hy vọng vào cái muôn thuở, cái đồng điệu của con người, nên với cả tâm hồn, tôi cố gắng giới thiệu với quý độc giả một câu chuyện lãng mạn, đẹp và trong sáng như ngàn sao trên trời.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong những bậc cha chú chúng ta thời tiền chiến đã có một số người dịch truyện này, và bản dịch nổi tiếng nhất là của Thạch Lam với tựa đề “Những Vì Sao”.

 

***

TRONG THỜI GIAN chăn cừu trên cao nguyên Luberon, tôi thường sống hằng mấy tuần lễ liền một mình trong đồng cỏ với đàn súc vật và con chó Labri của tôi, không hề thấy một bóng người lai vãng. Thỉnh thoảng mới có một tu sĩ ở núi Ure đi ngang qua vùng để hái thảo mộc làm thuốc, hoặc giả lâu lâu mới thấy một khuôn mặt đen đúa của một kẻ đốt than ở vùng núi Piedmont. Nhưng đó là những con người chất phát, vì cô độc lâu ngày đã trở nên trầm lặng, mất đi thói quen ăn nói, và không hề hay biết gì về đời sống đang diễn ra dưới kia, trong các làng mạc, thành thị. Vì thế, cứ đến mười lăm ngày, mỗi khi nghe trên con dốc lên đồi tiếng nhạc đeo cổ của con lừa nông trại tải lương thực cho tôi, và khi thấy xuất hiện rõ dần cái đầu ngộ nghỉnh của thằng bé nông trại hay mái tóc màu hung của vú già Norade, thì tôi sung sướng vô cùng. Tôi hỏi tin tức dưới đồng bằng, nào là những lễ rửa tội, những đám cưới, nhưng điều làm tôi quan tâm nhất là được biết cô chủ của chúng tôi ra sao, cô Stéphanette, con người xinh đẹp nhất vùng. Làm ra vẻ không chú ý lắm, tôi dò hỏi xem cô có hay vui chơi lễ lạc, dự tiệc tùng, dạ hội, có nhiều chàng trai tán tỉnh không, và với những ai sẽ hỏi tôi rằng liệụ những điều kia có ích lợi gì cho tôi, một kẻ chăn cừu nghèo hèn ở một xó xỉnh rừng núi, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi vừa hai mươi tuổi và cô Stéphanette kia là người con gái tôi thấy đẹp nhất trong đời tôi.

Và như thế, vào một ngày Chủ Nhật, tôi mong đợi mãi lương thực của hạn kỳ mười lăm ngày thì chuyến tiếp tế tới rất trễ. Buổi sáng tôi tự nhủ: vì buổi lễ ở nhà thờ, rồi đến trưa một cơn mưa lớn đổ xuống, và tôi nghĩ con lừa không thể lên đường được vì đường xấu. Cuối cùng, vào lúc ba giờ chiều, trời trong sáng, rừng núi loang loáng nước và ánh mặt trời, tôi nghe trong tiếng nhỏ giọt của cành lá và trong tiếng suối trào dâng cuồn cuộn tiếng nhạc lừa reo vui lảnh lót như tiếng chuông một ngày lễ Phục Sinh. Nhưng đó không phải thằng nhỏ, cũng không phải bà Norade. Các bạn thử đoán ai! Cô chủ của chúng tôi, các bạn ạ! Cô chủ đích thân đến, ngồi ngay ngắn trên lưng lừa, giữa những túi, những bao, mặt ửng hồng do khí hậu miền núi và do không khí mát mẻ sau cơn mưa rào. Thằng bé bị ốm, dì Norade đang nghỉ hè với các con. Vừa bước xuống lừa, giai nhân Stéphanette vừa cho tôi biết như thế, và nói sở dĩ nàng đến trễ là vì lạc đường! Nhưng nhìn y phục ngày Chủ Nhật với dây buộc tóc có cài hoa, chiếc váy sặc sỡ, nàng có vẻ đã trễ nãi vì một điệu nhảy hơn là đi tìm đường trong các bụi rậm. Ôi, một nhan sắc diễm kiều! Mắt tôi không thể rời nàng. Thật chưa bao giờ tôi được nhìn nàng gần đến thế. Một đôi lần vào mùa đông, khi đàn súc vật đã trở về đồng bằng, và mỗi buổi chiều sau một ngày làm lụng tôi trở về nông trại để dùng cơm, nàng có đi ngang qua phòng ăn, phong cách mạnh dạn, không nói một lời với người làm, luôn luôn điểm trang và hơi kiêu sa… và bây giờ nàng đứng sừng sững trước mặt tôi, chỉ một mình tôi thôi, có thật điên cái đầu không?

Sau khi đã sắp các món đồ ra khỏi giỏ, Stéphanette bắt đầu tò mò nhìn chung quanh nàng. Khẻ nâng chiếc váy Chủ Nhật, sợ bị hư, nàng bước vào chuồng cừu, muốn xem cái xó xỉnh tôi ngủ, một cái máng rơm trãi tấm da cừu, cái áo choàng lớn treo trên vách, khẩu súng bắn đá. Nàng thấy những thứ đó lạ mắt.

–       Chính đây là nơi anh sống à, hỡi người chăn cừu tội nghiệp của tôi. Thui thủi một mình chắc anh buồn lắm! Thường thường anh làm gì? Anh nghĩ gì?

Tôi muốn trả lời: “nghĩ đến cô, cô chủ ạ”. Và tôi không nói ngoa đâu! Nhưng tôi bối rối đến nỗi không tìm được lời nói. Tôi nghĩ nàng nhận thấy điều đó, và cô gái ranh mãnh ấy lấy làm thích thú tăng sự bối rối của tôi thêm bằng những lời đùa cợt tinh quái:

–       Và cô bạn gái của anh có thỉnh thoảng lên đây thăm anh không? Chắc đó là con dê cái nạm vàng hay nàng tiên Estérelle chỉ đi trên các đỉnh núi.

Và chính nàng trong khi nói chuyện với tôi mới có dáng vẻ của nàng tiên Estérelle, với nụ cười xinh của khuôn mặt nghiêng nghiêng, và sự vội vả ra đi làm cho cuộc viếng thăm của nàng như một sự giáng thế.

–       Chào anh.

–       Xin chào cô chủ.

Và nàng ra đi, mang theo những giỏ trống trơn.

Lúc nàng khuất dạng trên lối mòn thoai thoải dốc, sỏi đá lăn dưới vó lừa dường như đang rơi từng viên, từng viên vào lòng tôi. Tôi lắng nghe những âm thanh đó một hồi lâu, và cho đến hết ngày tôi vẫn còn như mơ ngủ, không dám cử động, sợ làm tan biến đi giấc mộng đẹp. Vào buổi chiều, khi thung lũng bắt đầu đổi sang màu xanh biếc, và khi súc vật bắt đầu nối đuôi nhau, vừa vào chuồng vừa kêu khe khẻ, tôi bỗng nghe ai gọi tên tôi dưới triền dốc, và tôi bỗng thấy cô chủ tôi xuất hiện, không còn tươi cười như lúc nãy, nhưng run rẫy vì lạnh, vì sợ, và vì ướt. Có thể dưới chân đồi nàng đã gặp phải dòng suối Sorgue dâng cao vì mưa, và trong khi cố gắng vượt qua nàng đã suýt bị chìm. Ðiều hãi hùng là vào giờ khắc này của đêm hôm không nên nghĩ đến việc trở về trang trại, bởi vì con đường tắt thì cô chủ chúng tôi không biết, mà tôi thì không thể rời đàn súc vật được. Cái ý nghĩ phải ở lại đêm trên núi làm nàng khổ sở vô cùng, nhất là vì sự lo lắng của gia đình nàng. Tôi cố hết sức trấn an nàng:

–       Thưa cô, tháng Bảy đêm rất ngắn. Chẳng mấy chốc sẽ qua đi.

Tôi đốt một đống lửa lớn để nàng hong chân và quần áo ướt sũng nước của dòng suối Sorgue. Kế đến, tôi mang sữa và phó mát cho nàng dùng bữa, nhưng cô bé đáng thương chẳng buồn nghĩ đến sưởi ấm và ăn uống, và nhìn những giọt nước mắt trào dâng trong đôi mắt nàng tôi cũng muốn khóc.

Trong khi đó đêm đã xuống hoàn toàn. Chỉ còn lại trên các đỉnh núi một chút bụi mặt trời, một màn sương của ánh sáng dọi lại từ bên kia chân trời. Tôi mời tiểu thư của chúng tôi vào nghỉ trong khu chuồng cừu. Trải trên rơm tươi một tấm da cừu mới toanh, tôi chúc nàng ngủ ngon, và tôi ra ngồi bên ngoài, tựa cửa… Thượng Ðế đã chứng giám cho tôi rằng mặc dù lửa tình đang hừng hực cháy trong huyết quản, không một ý nghĩ xằng bậy nào đến với tôi, tuyệt nhiên chỉ có một niềm kiêu hãnh lớn lao là nghĩ rằng trong một góc của chuồng cừu, rất gần đàn súc vật đang tò mò nhìn nàng ngủ, ái nữ của ông bà chủ tôi – như một con chiên quí giá hơn, trinh bạch hơn tất cả các con chiên khác – đang nằm nghỉ, tin cậy vào sự bảo vệ của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời sâu thẳm và các vì sao rực rỡ đến thế. Thình lình cánh cổng của khu chuồng cừu xịch mở và Stéphanette hiện ra. Nàng không ngủ được. Súc vật cựa quậy làm rơm kêu xào xạt hay rống lên trong giấc ngủ của chúng. Nàng thích đến ngồi bên đống lửa hơn. Thấy thế, tôi choàng tấm da khoác của mình lên đôi vai nàng, khêu ngọn lửa lên, và chúng tôi ngồi bên nhau im lặng. Nếu có bao giờ thức ngoài trời một đêm đầy sao, bạn mới biết rằng trong lúc chúng ta ngủ, một thế giới huyền bí thức dậy trong cô đơn và tĩnh mịch. Lúc bấy giờ những dòng suối có tiếng ngân trong trẻo hơn, những hồ nước lấp lánh những đốm lửa nhỏ. Các thần linh của núi rừng đi lại tự do; và trong không gian có những xao xuyến, những âm thanh không thể nghe được, tuồng như người ta nghe cây cối tăng trưởng, cỏ hoa mọc thêm. Ban ngày là đời sống của sinh vật, nhưng đêm đến là cuộc sống của sự vật. Không quen với hiện tượng đó, ta sẽ đâm ra sợ hãi. Vì thế, chỉ hơi một tiếng động nhỏ cô chủ chúng tôi đã run lên và ngồi sát vào tôi. Một lần, một tiếng kêu dài sầu thảm phát ra từ hồ nước lóng lánh phía dưới kia và vọng về phía chúng tôi ngân vang như dợn sóng. Cùng lúc đó một ngôi sao băng rất sáng xẹt ngang đầu chúng tôi về cùng một hướng, y hệt như tiếng than vãn chúng tôi vừa nghe có mang theo luồng ánh sáng với nó. Stéphanette khẻ hỏi:

–       Cái gì thế?

–       Một linh hồn lên thiên đường, cô ạ.

Vừa trả lời tôi vừa làm dấu thánh giá. Nàng cũng làm theo và ngẩng nhìn lên trời một lúc, nét mặt rất bình an. Ðoạn nàng nói:

–       Có thật mục đồng các anh là những tay phù thủy không?

–       Thưa cô làm gì có chuyện đó. Nhưng ở đây chúng tôi sống gần các vì tinh tú hơn, nên chúng tôi am hiểu những gì xãy ra trên ấy hơn những người dưới đồng bằng.

Nàng luôn luôn nhìn lên cao, một tay chống dưới cằm, toàn thân trong tấm da cừu như một đồng tử trên trời:

–       Ðẹp quá. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều như thế. Anh có biết tên tất cả các ngôi sao kia không?

–       Thưa cô, biết chứ. Cô hãy nhìn kia! Ngay trên đầu chúng ta là con đường thánh Jacques (dãi Ngân Hà). Ông ta đi thẳng từ Pháp sang Tây Ban Nha. Chính thánh Jacques đã vạch con đường này cho hoàng đế Charlemagne tiến đánh bọn Sarrasins. Xa hơn, là cổ xe chở linh hồn (Ðại Hùng Tinh) với bốn trục bánh xe sáng rực. Ba ngôi sao đi đầu là ba con vật kéo xe, và ngôi sao bé tí gần ngôi sao thứ ba là người xà ích điều khiển xe. Cô có nhìn thấy một trận mưa sao chung quanh không? Ðó là những linh hồn mà Thượng Ðế bỏ rơi. Thấp một chút là sao Ba Ông Vua. Ðó là chiếc đồng hồ của bọn chăn cừu chúng tôi. Chỉ nhìn những ngôi sao đó tôi cũng biết bây giờ đã quá nửa đêm.Thấp hơn một chút, vẫn về phía nam, là ngôi sao Jean de Milan, ngọn đuốc của các vì sao. Về ngôi sao này, các mục đồng có truyền tụng một câu chuyện như sau. Vào một đêm nào đó, Jean de Milan cùng với sao Ba Vua và sao Poussinière (sao Rua) được mời dự tiệc cưới của một sao bạn gái. Sao Poussinière vội vả hơn nên đi trước và chọn lộ trình cao. Cô hãy nhìn kìa, trên cao, tận cuối trời. Sao Ba Vua đi đường thấp hơn và đuổi kịp; nhưng anh chàng Jean de Milan lười biếng này, vì ngủ dậy trễ, đi lẹt đẹt sau chót, giận dữ đưa cây gậy ra để chận các sao kia lại. Vì thế, sao Ba Vua còn được gọi là cây gậy của Jean de Milan. Nhưng ngôi sao đẹp nhất trong tất cả các vì sao, là ngôi sao của chúng tôi, Ngôi Sao của Kẻ Chăn Cừu, cô a (sao Hôm, sao Mai). Nó soi sáng cho chúng tôi lúc bình minh khi lùa súc vật ra đồng cỏ, và lúc hoàng hôn khi dẫn súc vật về chuồng. Chúng tội còn gọi sao đó là Maguelonne, nàng Maguelonne kiều diễm chạy theo chàng Pierre của xứ Provence (Thổ Tinh) và kết hôn với chàng ta cứ bảy năm một lần.

–       Anh nói sao! Cũng có đám cưới của các vì sao nữa à?

–       Thưa cô, có chứ.

Và khi tôi đang cố diễn giải về những đám cưới đó thì tôi cảm thấy một cái gì vừa tươi mát, vừa mịn màn đặt nhẹ lên vai tôi. Ðó là chiếc đầu ngủ gục của nàng đang tựa vào tôi với sự cọ xát dễ chịu của những dây buộc tóc, của những đường đăng ten và của mái tóc dợn sóng. Nàng ngủ yên như thế cho đến khi trời sáng sao mờ. Tôi nhìn nàng ngủ, lòng hơi xao xuyến, nhưng nhờ sự che chở thánh thiện của bóng đêm trong sáng đó, cái đêm chỉ cho tôi những ý nghĩ tốt đẹp. Chung quanh chúng tôi ngàn sao vẫn chuyển dịch im lặng, ngoan ngoãn như một đàn súc vật lớn; và có lúc tôi ngỡ rằng một trong những ngôi sao đó, ngôi sao đẹp nhất, sáng nhất, lạc đường đã đến tựa trên vai tôi mà ngủ…

Alphonse Daudet

Hà Kỳ Lam dịch