Tiếng hát Khả Tú

Những nẻo đường Việt Nam 
Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan 
Ôi những nẻo đường Việt Nam 
Ôi những nẻo đường Việt Nam

Những nẻo đường về đâu? 
Bóng chiều chậm rơi bờ lúa nương dâu 
Ôi những nẻo đường về đâu? 
Ôi những nẻo đường về đâu?

Ôi ta đắp đường làng ta 
Nhắc ai đi chớ quên quê nhà 
Con đường về thôn vui quá

Ôi ta hát trên đồi cao 
Ánh trăng đón đưa soi lối vào 
Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau.

ÐK:: 
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi 
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường mới 
Yêu là yêu là yêu chúng mình yêu nhiều 
Yêu là yêu là yêu chúng mình quá yêu.”

– Hôm đó tôi vừa lái xe trên cầu vừa ngâm nga thầm bài “Những Nẻo Ðường Việt Nam”. Và cao hứng, tôi chạy quá tốc độ ấn định. Chợt nhìn kiếng chiếu hậu, tôi giật mình vì một chiếc xe cảnh sát đang theo sau và chớp đèn. Tôi đoán biết số phận mình ra sao rồi bèn tà tà cho xe chạy qua khỏi cầu và tấp vào bên lề, đậu lại, chờ. Viên cảnh sát đến bên cửa xe cho biết tôi chạy quá tốc độ ấn định, rồi hỏi giấy tờ và bằng lái của tôi. Tôi xuất trình giấy tờ, và trong lúc bực tức vì cái “lỗi lầm không đáng chi” tôi đã bất giác thốt lên cái ý nghĩ đáng lẽ chỉ thầm nhủ trong lòng, “chỉ tại những nẻo đường Việt Nam!”.

Lạ thay, viên cảnh sát nhìn tôi và hỏi nhanh, dĩ nhiên bằng Anh Ngữ, “ông ca trong lúc lái xe hả?”. Tôi sửng sốt hỏi, “làm sao ông biết được?”. Y mỉm cười, đưa trả giấy tờ lại cho tôi và nói, “nhân danh mối tình xưa của tôi trên đất nước ông, tôi bỏ qua vụ này. Hãy xem đây là hành động cảnh cáo của tôi”. Ðoạn y chìa một tấm danh thiếp cho tôi sau khi gạch bỏ số điện thoại sở làm và thay bằng số điện thoại nhà. “Tôi thích nói chuyện với ông. Cứ gọi tôi, nếu muốn”. Vày bỏ đi. Tôi há hốc mồm nhìn theo mấy giây, chẳng hiểu mô tê gì cả. Rồi tôi cũng bỏ đi, mừng rằng mình đã thoát nạn: khỏi tốn tiền phạt, khỏi bị trừ điểm lái xe, và khỏi bị tăng tiền bảo hiểm.

Ngày nhỏ sống trong một tỉnh lẻ, La Vĩnh Thọ vẫn say mê những đại nhạc hội từ phương xa đến. Chàng ngưỡng mộ những con người mang hơi hướm của thủ đô Sài Gòn: Ngọc Phu với “Bánh Xe Lãng Tử”, ban Thăng Long với “Hội Trùng Dương”, với “Tiếng Dân Chài” v.v. Nhưng có một ca khúc, nghe ra mộc mạc hơn nhiều bài ca khác, đã khắc sâu trong tâm khảm chàng, bản “Những Nẻo Ðường Việt Nam”. Chàng mê nó qua một nhạc cảnh trên sân khấu, với các thôn nữ trong y phục ba miền tượng trưng cho những nẻo đường đất nước. Ðúng ra, chàng mê một cô gái Bắc với quần đen, áo nâu, khăn mỏ quạ, làn da trắng muốt, chiếc mũi thanh tú, đôi môi thắm, hàm răng ngà, và đôi con mắt có đuôi lung linh, huyền ảo dưới ánh đèn sân khấu. Chàng không biết ai đã thủ vai cô gái Bắc ấy; Yến Hương? Mỹ Á Lan? Nhưng không cần biết nữa. “Những Nẻo Ðường Việt Nam” đã đi vào tâm thức chàng qua một hình ảnh diễm kiều từ đó.

Với thời gian, cái rung động với một hình bóng thoáng qua trên sân khấu phai dần – cũng như đã phai dần những rung cảm của “một thời trẻ dại”. Rồi La Vĩnh Thọ cưới vợ. Vợ chàng có đẹp như giai nhân trên sân khấu thuở xưa không, chẳng phải là vấn đề đặt ra. Chàng và nàng yêu nhau là đủ rồi. Và chỉ còn lại âm vang của khúc hát “Những Nẻo Ðường Việt Nam” mỗi khi chàng ngồi xe hơi hay xe lửa xê dịch đó đây với phong cảnh hai bên đường chạy lùi trước mặt. Không hẳn là luôn luôn như thế, nhưng thường thường trong những lần xê dịch bản đàn xưa lại trỗi lên trong lòng.

Cho đến gần đây, những ngày tháng tha phương ở Mỹ, những đoạn của bài ca xưa cũ đó đến với chàng thường xuyên hơn. Không biết có phải vì mới trải qua có ba mùa xuân trên xứ người, kể từ mùa xuân khó quên 75, chàng đang nhớ nhiều đến quê hương, hay chỉ do tính tương phản của định luật liên tưởng là càng đi xa liên tưởng về nơi chốn cũ càng mạnh, chỉ biết chàng đã giữ nhịp khi thầm ca “Những Nẻo Ðường Việt Nam” trong nhiều đoạn đường lái xe. Và đoạn đường chàng yêu thích nhất là chiếc cầu bắc qua sông Delaware trên lộ trình đi về hằng ngày của chàng. Những đoạn lòng cầu đúc bằng bê tông ghép lại với nhau. Vì những mối ghép đó cách đều nhau nên khi xe đi qua, chúng tạo thành những âm thanh cách khoảng đều đặn phân biệt rõ với tiếng bánh xe nghiến thường trực trên lòng đường. Chàng cho xe chạy với vận tốc năm mươi dặm một giờ để xe vượt các lằn nối đúng vào nhịp mạnh của bài ca. Tốc độ ấn định trên cầu là bốn mươi lăm dặm một giờ. Như vậy La Vĩnh Thọ thường vi phạm luật lưu thông trên cầu! Và sự vi phạm đó trở thành thói quen, vì “Những Nẻo Ðường Việt Nam” là thói quen của chàng. Thọ biết những câu ca một phần do vô thức đó không làm chàng yêu nước thêm, không gợi chàng nhớ quê hương thêm, nhưng phải nhận mỗi khi chàng lẩm nhẩm

“Bóng chiều dần lan bờ lúa ôm

nhau

Ôi những nẻo đường Việt Nam

Những nẻo đường về đâu…”

chàng cũng thấy lòng lâng lâng một tình cảm bâng quơ và trí tưởng chàng bay về bên kia đại dương, lang thang trên những cánh đồng, những thôn xóm nằm dưới chân những dãy đồi phủ phục, hay dọc theo những bãi cát trắng với sóng biển rì rầm. Và trên tất cả những nẻo đường đất nước đó vẫn là hình ảnh cô thôn nữ miền Bắc đa tình, khi ẩn, khi hiện từ tiềm thức của những hoa niên nào xa lãng… Những tình cảm dịu dàng đó mơn trớn chàng, nuôi sống tâm hồn chàng, giúp chàng chạy trốn thực tại chán chường của cảnh cơm không lành canh không ngọt của gia đình mình từ ngày Thu, vợ chàng, mỗi ngày mỗi đổi tính, để đến bây giờ hầu như không còn một chút mặn nồng nào của vợ đối với chồng. Không phải chàng ước ao hão huyền với hình bóng của sân khấu xa xưa, vì trong cái chán chường này chàng tự nhủ dù có lấy được người trên sân khấu ấy thì rốt cuộc mọi sự cũng buồn như hai câu thơ

Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở

Ðời mất vui khi đã vẹn câu thề”

Chàng chỉ thả hồn theo sóng nhạc trong lòng. Và… năng đi đêm thế nào cũng gặp ma! Một bóng ma cảnh sát tuần lưu xa lộ đã vồ được chàng. Trung sĩ Jim Hennigan đã tóm được chàng trên màn ảnh ra-đa trong xe mình: đối tượng đã chạy ở mức năm mươi dặm một giờ trên cầu!

Jim Hennigan là một cựu chiến binh của chiến tranh Việt Nam. Dưới mắt của đồng bào và đồng đội của anh, Jim là một cựu chiến binh tương đối may mắn. Anh không hề bị ám ảnh trầm trọng bởi những năm tháng địa ngục trong cuộc chiến, như một số bạn đồng ngũ của anh, mặc dù một đôi lần anh cũng nằm mơ thấy người mình bê bết máu giữa cơn pháo kích long trời lở đất của đối phương năm nào. Thức giấc, anh thở phào và càng thấy mình may mắn, vì giờ này còn lành lặn trở về từ những ngày bị vây hãm ở Khe Sanh. Anh cũng không hề vấp phải bức tường kỳ thị vô hình khi về nước, giải ngũ, và xin việc làm. Anh làm cảnh sát tuần lưu xa lộ cho tiểu bang nhà, New Jersey, từ khi rời quân đội năm 1972. Và cuộc đời Jim trong sáu năm qua bình dị nếu nói về công ăn việc làm, nhưng đầy bão tố trong gia đình. Chỉ có điều sau cùng này quấy rầy anh, ngoài ra anh đồng ý với mọi người chung quanh rằng mình là một cựu chiến binh may mắn của chiến tranh Việt Nam.

Ðời sống không bao giờ hoàn toàn như ta ước muốn. Jim Hennigan thừa biết điều đó. Nhưng biết để làm gì? Dân Mỹ không thích triết lý. Jim vẫn nghĩ đời chàng đáng lẽ đã có thể hoàn toàn hơn hiện tại này. Chỉ cần đổi một người đàn bà thôi: thế Liên vào vị trí của Betsy. Giải ngũ, tìm việc làm, lấy vợ, có con, rồi ly dị. Chỉ mất có bảy năm để Jim hoàn tất ngần ấy sự việc! Chàng mỉm cười chua chát một mình trước cái bi kịch gia đình điển hình như mọi bi kịch gia đình Mỹ. Dĩ nhiên Jim và Betsy đều có những khiếm khuyết, những lỗi lầm, nhưng Jim tin rằng với Liên, mà chàng thường tổng quát hóa là đàn bà Việt Nam, thì chàng đã không có những lỗi lầm đó, bởi vì chúng có bị luận tội là lỗi lầm đâu mà có! Betsy, mà Jim thường tổng quát hóa là đàn bà Mỹ, thì quá demanding, theo chàng thấy.

Không phải đến bây giờ, đã đổ vỡ gia đình, trở lại thời độc thân, Jim Hennigan mới nhớ nhiều đến cố nhân của những ngày viễn chinh ở Việt Nam. Chàng nghĩ đến cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, tốt bụng, chịu khó đó từ trước khi lấy vợ, rồi ngay cả trong hạnh phúc gia đình ngắn ngủi của mình, và vẫn thường tự hỏi, nếu Liên không chết bất ngờ thì giờ này mọi sự đã ra sao; Có lẽ chàng đã đề huề như vài người bạn chàng có vợ Việt dịu dàng, chìu chuộng và những đứa con lai Âu-Á đẹp như thiên thần – những cảnh gia đình mà chàng thèm muốn mỗi lần ghé thăm họ.

Jim Hennigan phục vụ tại Việt Nam hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ đầu đúng là thời gian địa ngục. Chàng binh nhất Hennigan thuộc sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, bản doanh đóng tại Ðà Nẵng. Lữ đoàn của anh ta lại trấn giữ vùng lòng chảo Khe Sanh lúc đó được thế giới biết đến như một Ðiện Biên Phủ thứ hai. Dĩ nhiên thời kỳ đó chẳng lưu lại một hoài niệm dễ thương nào đối với chàng ta. Và vận số chàng hên. Hoàn tất nhiệm kỳ chiến đấu ở hải ngoại trở về lành lặn để rồi hai năm sau thình lình được thượng cấp điều sang phục vụ trong toán canh gác tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, tọa lạc tại góc đường Thống Nhất và Mạc Ðỉnh Chi. Thế là Jim Hennigan trở lại Việt Nam năm 1968, sau chiến trận của đầu năm Con Khỉ, lòng hân hoan, tinh thần phấn chấn, chứ không lạnh cẳng như lần đầu tiên! Và thời kỳ này khắc sâu trong tâm khảm anh ta.

Những ngày nghỉ Jim hay thắng bộ cánh dân sự tà tà các vĩa hè đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, và dĩ nhiên là cả vĩa hè đường Tự Do, một nơi có nhiều gái bản xứ “chịu chơi”. Một vài tháng đầu, thế giới của Jim ở Sài gòn chỉ đóng khung ở vài đoạn đường vừa kể, và các quán rượu ở đường Tự Do. Rồi chàng quen một cô gái chiêu đãi viên trong một quán chàng vẫn thường lui tới mỗi tuần. Chàng thích màu da ngăm ngăm, mái tóc dài óng mượt, và dáng mảnh mai của cô gái. Liên, tên cô ta, thích chàng khách Mỹ hào hoa hai mươi bốn tuổi với mái tóc vàng hoe, mắt xanh màu “biển trời”, thân hình vặm vỡ, cộng thêm những tờ bạc đô-la và quà cáp rộng rãi.

Liên không nghĩ một cách đứng đắn đến một tấm chồng như nhiều cô gái nhà lành, và như hồi nàng làm gái nhà lành trước khi sẩy chân vào “chốn bụi hồng”. Nàng chỉ biết hiện tại, một hiện tại phóng khoáng, nhung lụa, một hiện tại đỡ đần được bố mẹ và đàn em. Chiến tranh với chết chóc, đổ vỡ, ly tán diễn ra chung quanh, và con người thì nhỏ bé, bất lực trước ách nước tai trời. Hơi đâu mà suy xa với nghĩ gần. Que sera sera. Trong dáng điệu, lời nói, Liên có vẻ chán chường với những nhiễu nhương của thời ly loạn. Nhưng có những khoảnh khắc trong cái trống vắng tận đáy lòng bất chợt Liên cũng thấy mình “nghĩ xa”. Nàng nghĩ đến một bến nước bên kia bờ Thái Bình Dương. Cuộc chiến này sắp chấm dứt, hay còn lâu lắm mới kết thúc, và kết thúc như thế nào, Liên chẳng mấy quan tâm; thực ra Liên không biết mình có mong hòa bình không. Nhưng nàng biết rõ mình muốn đi xa, xa tận bên Mỹ, với một tấm chồng Mỹ, thực sự hay chồng hờ, để thử thời vận, để đổi đời, một cuộc đời chắc không sáng sủa trong nước! Và Liên dành nhiều cảm tình nhất cho Jim. Nếu quả thực anh chàng này chưa có vợ như anh ta tuyên bố thì biết đâu đó chẳng là bến nước trong xanh của bờ Ðại Tây Dương, quê hương chàng, mà nàng sẽ cặp thuyền.

Jim Hennigan nghĩ mình không hẳn cần đàn bà theo nghĩ của hai người khác phái. Chàng cũng không nghĩ mình chỉ muốn tìm nếm thử hương vị của một trái cây xa lạ. Chàng thấy thích Liên vì nhiều điểm không diễn tả được. Nhưng có điều chàng tin bị thu hút rõ nhất là cái dịu dàng và rộng lượng của người con gái phương Ðông. Bạn bè vẫn thường bảo chàng rằng lính Mỹ chinh phục con gái bản xứ bằng đô-la và hàng hóa Mỹ. Jim chẳng bận tâm, cho dù điều đó đúng, vì chàng thấy đàn bà Mỹ thời nay gắn bó với đàn ông qua sợi dây vật chất nhiều hơn tình yêu. Ðối tượng của chàng nếu có phải hành xử vì tiền thì vẫn còn hơn đàn bà con gái đồng loại của chàng về tính nết, một điều khó tìm ở xã hội của chàng.

Thế là Jim Hennigan và Võ Thị Liên trở thành đôi uyên ương say đắm như cô gái Nhựt và chàng lính Mỹ trong phim Sayonara. Nàng dẫn Jim về giới thiệu với gia đình. Nàng không ngần ngại để cho anh bồ Mỹ thấy cái “thanh bạch” của gia đình mình. Nàng thành thật một cách tính toán: đâu có sợ phải môn đăng hộ đối như người Việt với nhau, và phơi bày gia thế còn có lợi điểm dễ vòi vĩnh chàng trai Mỹ si tình. Nhà em nghèo lắm. Nếu không có anh, em chẳng biết phải xoay xở ra sao. Ba má em cần một tủ lạnh nhỏ mà em cũng chưa sắm nổi, và vân vân…

Khi không bận trực gác, Jim thường xin phép thượng cấp “ngủ ngoài” để đến nghỉ đêm tại nhà Liên trong một xóm lao động ở Khánh Hội. Tám tháng đi đi về về với người con gái Việt Nam ấy đã cho chàng một kết luận rằng Liên chắc chắn sẽ mang hạnh phúc lại cho mình hơn bất cứ người vợ Mỹ nào mình cưới sau này. Chàng chẳng thấy trở ngại ngôn ngữ, trở ngại văn hóa. Những thứ đó đều có thể học được, hoăc điều chỉnh được. Cái chàng cần là một tấm lòng, một tâm hồn, mà Liên thì có thừa.

Jim học được nhiều điều về phong tục, tập quán Việt Nam. Chàng bập bẹ được nhiều câu tiếng Việt, và nghe hiểu nhiều câu nói. Chàng thuộc nhiều câu hát phổ thông, và thuộc làu nguyên một bài ca, bài “Những Nẻo Ðường Việt Nam” vì âm điệu của nó dễ dàng hơn các ca khúc khác. Và Liên là cô giáo dạy ca của chàng. Jim thích nhất câu,

“Yêu là yêu là yêu vô bờ bến rồi …”

vì âm thanh nghe vui tai! Chàng hiểu nghĩa câu ca nhưng chàng không cảm thấy điều mà đáng lẽ câu ca phải truyền cảm cho chàng. Jim vẫn nghĩ, nếu người Việt ca thì chắc họ sẽ thấy lòng tràn ngập một tình yêu quê hương, yêu vô bờ bến như câu ca diễn tả!

Jim học được từ Liên cái tinh thần đại gia tộc của người Việt mà chàng nễ phục tuy không quan niệm nổi. Và chàng cũng hiểu rằng lấy vợ Việt có nghĩa là phải bảo bọc, gánh vác cả giang san nhà vợ, nếu cần. Chấp nhận thôi, chẳng có gì để bàn cãi, vì đó là một phần của văn hóa, đạo lý dân tộc.

Lúc hai người sẵn sàng xây tổ ấm vĩnh cửu của cuộc đời thì Jim mãn nhiệm kỳ phục vụ, phải trở về Mỹ. Không sao. Chàng hứa sẽ quay lại lập giấy tờ, hôn thú với người yêu. Liên vững tin ở chàng trai ấy. Và Jim chẳng thấy nhiêu khê lắm cái công việc cầm bút ký giấy tái đăng một nhiệm kỳ nữa tại Việt Nam, ở một nhiệm sở không tác chiến. Mọi sự ai cũng thấy khá dễ dàng và chắc chắn như tiền nằm trong túi; mọi sự chỉ chờ ngày tháng để thành hiện thực. Ấy vậy mà chữ “ngờ” quái ác của cuộc đời vẫn là điều không ai thần thánh nổi để biết được. Chàng Jim chưa kịp trở lại Việt Nam thì đã hay tin Liên của chàng đã ra người thiên cổ trong một vụ pháo kích của địch.

La Vĩnh Thọ và Jim Hennigan đã gặp lại nhau.

Họ có vẻ tương đắc, vì cùng có chung một khung trời Việt Nam để làm đề tài trao đổi lúc đầu, tuy rằng trong tâm thức mỗi người chắc chắn có “những nẻo đường Việt Nam” khác nhau! Thọ cảm thấy buồn thương cho cuộc tình không trọn của Jim và Liên. Thọ cảm thông sâu xa nỗi cay đắng, chán chường của Jim trước thảm kịch gia đình anh hiện nay mà chính chàng cảm thấy như có một phần cảnh ngộ mình trong đó. Nhưng Thọ bỗng thấy nao nao khi nghĩ nếu cô Liên nào đó may mắn sống sót để kết tóc xe duyên với chàng Jim, thì có chắc bây giờ tình thế anh ta đã khá hơn không? Thọ thấy một nỗi hồ nghi mong manh như sương khói nhưng lan trải như thủy triều. Xứ sở này đã biến Thu hay chính chàng trở thành khác xưa? Mỗi bên có trách nhiệm gì trong sự đổ vỡ kia? Anh Jim ạ, tôi không có tư cách gì để phán đoán về hoài niệm của anh, nhưng xin anh thôi tiếc nhớ người xưa như một báu vật vô tri! Liên của anh nếu còn sống chắc gì đã trơ trơ trong vòng kiềm tỏa của môi trường hôm nay. Như Thu, như bao nhiêu người đàn bà Việt Nam khác bị bứng gốc ra khỏi thổ ngơi quen thuộc tự nghìn xưa của họ để trồng lại… Một sự hóa thân để sống còn, hay một cuộc giải phóng? Nhưng có một điều Thọ tin: nếu còn ở bên nhà thì vợ chàng đã không thay đổi phũ phàng như bây giờ! Tuy nhiều bạn bè vẫn chia sẻ ý nghĩ đó của Thọ, kể cả Jim bây giờ – vì cùng là đàn ông mà lị! – nhưng họ vẫn nhận thấy phán đoán của chàng thiếu công bình. Chàng không thể cứ bưng nguyên cái không gian xưa trong đó có mô hình người đàn bà của khuông mẫu cũ đặt để vào không gian bên này. Thọ biết mình mang cái tâm lý kỳ quặc coi việc sinh ra làm đàn ông là một đặc ân tạo hóa ban cho, và được dành sẵn một qui chế có trước trong cái tương quan chồng-chúa-vợ-tôi của xã hội xưa cũ bên kia bờ biển! Và cái tâm lý kia là một cái gì phiền hà khó vượt qua của Thọ. Nhiều lúc Thọ cũng thấy không nên tiếp tục chờ đợi ở Thu những giá trị cổ xưa mà nàng bắt đầu trút bỏ để dấn bước vào cuộc đời mới. Mọi sự phải thay đổi, và đang thay đổi. Chàng cũng phải thay đổi, từ lối sống đến lối nhìn sự việc.

Thọ đã bộc bạch những trăn trở đó cho Jim nghe. Jim đã tâm sự với chàng về Betsy, về những vụn vặt, nhỏ nhoi của một người đàn bà Mỹ. Bỗng nhiên Thọ lóe lên một so sánh. Thu có tệ đến như Betsy chăng? Những đổi thay ở Thu là cần thiết trong cuộc đổi đời ở xứ người, hay đã đi tới mức quá đáng? Thọ không tin ở cảm nhận ban đầu của mình nữa. Lại một hồ nghi mới nhen nhúm, hồ nghi với chính mình. Giữa hai người trong cuộc hành trình này, hành trình rộng lớn của cả một lớp người rời bỏ quê cha đất tổ đi tìm quyền sống, ai là người dừng lại hoài niệm quá khứ, để người kia tiến bước quá đà, lỗi nhịp? La Vĩnh Thọ mỉm cười với chính mình, vì chàng vừa thoáng thấy nhịp cầu khiến chàng và Jim Hennigan gặp gỡ dường như đã đặt lại vấn đề cho chàng từ đầu; và biết đâu Jim cũng vừa khám phá điều đó cho chính anh ta.

Họ tạm biệt nhau, và hẹn tái ngộ, hy vọng nhịp cầu tri kỷ hãy còn dài…

27-3-1996

Leave a Reply