Có lẽ trong các sắc dân thiểu số góp mặt trên đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, di dân Việt đến đất nước này trễ nhất; họ chỉ mới thực sự có mặt trên vùng đất hứa này khoảng hơn ba thập niên – từ sau tháng 4-1975. Thế nhưng sự thành tựu của họ trong nhiều lãnh vực – nhất là về học vấn –  đã khiến họ sớm được đón nhận với ấn tượng tốt trong xã hội mới. Báo chí Mỹ đã nhiều lần phổ biến những gương thành công này. Và tình cờ mùa hè này người viết lại được dịp ghi nhận một thành công nữa về học vấn của học sinh Việt trên đất Mỹ: trường hợp đặc biệt của nữ sinh tên Lâm Diệu Quân.

Lâm Diệu Quân, mười tám tuổi, mang hai dòng máu, Việt và Hoa: bố, ông  Lâm Trí Nhuệ, một doanh nhân người Đài Loan, và mẹ, một phụ nữ Việt, bà Phạm Quỳnh Như. Theo cha mẹ sang định cư tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, năm 2009, lúc vừa học xong lớp 8 tại Việt Nam, Quân ghi danh vào lớp 9 tại ngôi trường mới ở xứ người, trường Trung Học NorthEast của thành phố Philadelphia. Tuy với vốn liếng Anh ngữ khiêm nhường từ các trường lớp ở Việt Nam, cô nữ sinh 14 tuổi Lâm Diệu Quân đã chẳng mất thì giờ bao nhiêu để hội nhập vào thế giới học đường mới. Từ lớp 9 đến lớp 12 là lúc cháu tốt nghiệp trung học mùa hè năm nay, Quân liên tục đạt điểm trên 4.00  (straight A với 4.07).

Ngày 19-6-2013 vừa qua Lâm Diệu Quân đã tốt nghiệp Trung Học với vị thứ hạng 2 và đã được đọc diễn văn á khoa (salutatory) trong buổi lễ tốt nghiệp. Được biết, theo thông lệ ở Mỹ, học sinh tốt nghiệp trung học với vị thứ thủ khoa thì được cái vinh dự đọc diễn văn giã từ (valedictory), và một số trường còn cho học sinh tốt nghiệp hạng nhì được đọc diễn văn á khoa (salutatory). Đến đây, người viết không khỏi nhớ lại cách nay khá lâu, dễ thường cũng đã trên hai mươi năm, mình có đọc trên báo Philadelphia Inquirer, một nhật báo lớn phát hành ở hai tiểu bang Pennsylvania và New Jersey, mẫu tin về một gia đình di dân Việt – lại người Việt nữa! – nhưng lâu quá không nhớ nỗi ở tiểu bang nào. Tờ báo đưa tin rằng một gia đình người Việt được mệnh danh là “gia đình đọc diễn văn thủ khoa” (valedictorian family). Số là, gia đình  ấy có năm người con, và năm cô cậu ấy cứ lần lượt kẻ trước người sau đều tốt nghiệp trung học với vị thứ thủ khoa cả, nghĩa là năm người con của gia đình cứ thay phiên nhau đọc diễn văn tốt nghiệp!

 

LDQ

Nữ sinh Lâm Diệu Quân đọc diễn văn tốt nghiệp á khoa trung học ngày 19-6-2013

Trở lại trường hợp Diệu Quân: chỉ mới đến Mỹ được bốn năm, quảng thời gian mà có lẽ nhiều trẻ em ngoại quốc cùng lớp còn phải lo vật lộn với ngôn ngữ, nói chi đến đạt được điểm cao, mà cháu đã tốt nghiệp Trung Học với vị thứ hạng nhì và với điểm ra trường 4.07; liệu có mấy học sinh làm được điều đó? Sự học hành xuất sắc của Diệu Quân đã mở ra cho cháu nhiều cánh cửa để vươn lên. Cô bé đã được nhiều đại học cho học bổng, nhưng Quân chỉ nhận học bổng toàn phần của Đại Học Pennsylvania (University of Pennsylvania, một trong mười trường đại học thượng đẳng của Mỹ, và là cha đẻ của máy điện toán đầu tiên của thế giới). Lâm Diệu Quân đã sẵn sàng để ngày 26-8-2013 bước vào mùa học đầu tiên tại UP (University of Pennsylvania), nơi mình sẽ miệt mài bốn năm với mảnh bằng cử nhân (bachelor’s degree). Được biết Diệu Quân sẽ lấy những môn dự bị y khoa (Pre-Medical) vì cô bé đang nuôi tham vọng sẽ trở thành một bác sĩ.

Thành tích học vấn của Lâm Diệu Quân càng đặc biệt hơn nữa với mảnh bằng Tú Tài Quốc Tế (International Baccalaureate) mình vừa đạt được song song với bằng Trung Học. Ngay năm đầu tiên tại trường mới ở Mỹ, cháu Quân đã được sắp vào nhóm học sinh xuất sắc để theo học chương trình Tú Tài Quốc Tế, một chương trình ngoài chương trình học bình thường của trường.

Và vừa rồi cháu Lâm Diệu Quân đã đạt được mảnh bằng Tú Tài Quốc Tế (International Baccalaureate Diploma), qua một kỳ thi khá vất vả. Được biết thí sinh Tú Tài Quốc Tế phải trải qua bảy môn sát hạch (Sử, Toán, Hóa Học, Tâm Lý Học, Sinh Vật Học, Văn Chuơng, và Tây Ban Nha Ngữ) và mỗi môn được gửi đến từng quốc gia riêng chấm điểm, rồi sau đó bài thi đuợc tập trung gửi về trụ sở trung ương của tổ chức Tú Tài Quốc Tế để tổng kết điểm. Đề thi văn chương nhằm  khảo hạch kiến thức thí sinh về văn học các nước trong chương trình học. Điểm đậu: tối thiểu là 24 và cao nhất là 35. Lâm Diệu Quân đã đạt được 32 điểm. Người có bằng này có thể nhập học các đại học trên thế giới không phải qua sát hạch. Riêng ở Mỹ, các đại học miễn một số tín chỉ (credits) cho sinh viên có bằng Tú Tài Quốc Tế.

Cũng xin nói thêm, trụ sở trung ương của tổ chức Tú Tài Quốc Tế tọa lạc ở Genève, Thụy Sĩ, và chương trình Tú Tài Quốc Tế gồm ba chương trình:

–          Tiểu Học (The Primary Years Programme) dành cho học sinh từ 3 đến 12 tuổi.

–          Trung Học Đệ Nhất Cấp (The Middle Years Programme) cho học sinh từ 11 đến 16 tuổi.

–          Trung Học Đệ Nhị Cấp (The Diploma Programme) dành cho học sinh từ 16 đến 19 tuổi.

           Hiện nay ở Hoa Kỳ có 1439 trường có chương trình Tú Tài Quốc Tế (IB world schools); tuy nhiên trong số đó chỉ có 800 trường có chương trình học thi lấy bằng Tú Tài Quôc Tế, và số trường còn lại chỉ cung cấp chương trình tiều học và/hay trung học đệ nhất cấp.

Lân la hỏi chuyện nữ sinh Diệu Quân, người viết được biết ngày còn ở Sài Gòn cô bé đã là học sinh xuất sắc về Toán, Hóa học, và Văn tại trường Cầu Kiệu, nơi mình theo học. Và mới đây, tình cờ được chuyện trò với một nhà giáo từ trong nước sang du lịch, chúng tôi lại được biết một sự việc “mới mẻ” là hiện nay các quận nội thành Sài Gòn có phong trào xây dựng tại địa phương mình một trường “điểm”, tuyển chọn học sinh xuất sắc về hai môn Toán và Văn. Và trường Cầu Kiệu là một trường thuộc loại đó. Nhưng, vẫn theo nhà giáo vừa nêu trên, hiện tượng “trường điểm” không hợp pháp cho lắm, vì bộ  giáo dục của Việt Nam không chấp nhận!

 

LDQHT

Lâm Diệu Quân với Thị Trưởng thành phố Philadelphia, ông Michael Nutter

Là một học sinh xuất sắc, đầu tháng Sáu vừa qua Lâm Diệu Quân với tư cách “VIP student” đã được Thị Trưởng thành phố Philadelphia, ông Michael Nutter, mời gặp. Tại buổi tiếp xúc, cháu đã được ông Thị Trưởng tặng hai vé xem thể thao hạng nhất.

Lâm Diệu Quân là một thiếu nữ hoạt động. Để trở thành một học sinh giỏi, dĩ nhiên phải dồn thời gian không ít cho học hành, nhưng cháu Quân vẫn dành thì giờ cho nhiều sinh hoạt ngoài lớp học. Quân thích luyện tập võ thuật, thích chơi thể thao. Ngoài môn ưa thích là quần vợt (tennis) Quân còn là cầu thủ chính thức trong đội túc cầu (soccer team) nữ của trường Trung Học Northeast, một trường hỗn hợp nam nữ, và chơi ở vị trí hậu vệ (half back).

Có lẽ vô tình mà Lâm Diệu Quân đã thực hành điều mà một ngạn ngữ Pháp nói, “Une âme saine dans un corps sain” (một tâm hồn lành mạnh trong một thể xác lành mạnh).


Hà Kỳ Lam

22-8-2013