Hành trình vùng Baltic của vợ chồng chúng tôi bắt đầu từ phi trường quốc tế Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Đông Bắc Hoa Kỳ. Chuyến bay đi Luân Đôn số 730 của hãng US Airways cất cánh lúc 11 giờ 30 đêm 1/9/2007 và đến nơi lúc 11 giờ 40 trưa ngày 2/9/2007 (giờ Luân Đôn), để chúng tôi hoàn tất thủ tục xuống tàu tại hải cảng Dover, Anh  quốc, chậm nhất là 3 giờ 30 chiều 2/9/2007 vì đúng 4 giờ chiều tàu nhổ neo khởi sự cuộc hải hành vùng Baltic.

        Chúng tôi đã chọn chương trình du ngoạn các thủ đô vùng Baltic bằng du thuyền (the Baltic States Capitals Cruise)  của hãng Norwegian Cruise Line. Hành trình bắt đầu từ cảng Dover, Anh, vượt Bắc Hải, xuyên kênh đào Kiel, sang biển Baltic, ghé Đức, Estonia, Nga, Phần Lan, Thụy Điển, và cuối cùng, Đan Mạch. Từ Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, tàu lại vượt Baltic, vào Bắc Hải, về lại Anh, hoàn tất chuyến đi 12 ngày. Đó là khái quát hành trình chuyến du Baltic của chúng tôi. Có thể thực hiện chuyến du hành bằng đường hàng không, hoặc đường bộ (hệ thống xa lộ liên Âu châu), nhưng trong ba phương tiện đó, du thuyền (cruise) xem ra rẽ hơn hai phương tiện kia, nhàn hạ hơn, và tiện lợi hơn. Rẽ hơn vì giá phải chăng của vé tàu đã bao gồm cả phí tổn ăn, ở trên tàu; nhàn hạ vì được nghỉ ngơi, giải trí trên tàu suốt thời gian hải hành giữa các điểm đến; và cuối cùng tiện lợi vì mình biết trước khoản tiền phải chi cho chuyến đi. Chỉ có khoản chi tiêu lặt vặt trong suốt hành trình là không tính trước được thôi.

Hải cảng Dover, Anh quốc ngày 2/9/2007

        Mặc dù chuyến bay từ Mỹ đã khởi hành trễ hơn dự trù 2 giờ 30 phút, và dù đoạn đường chuyển tiếp từ phi trường Gatwick/London đến hải cảng Dover phải mất 1 giờ 30 phút, chúng tôi đã có rộng thời gian để hoàn tất thủ tục xuống tàu. Chiếc Norwegian Dream của hãng Norwegian Cruise Line đứng sừng sững như một dãy cao ốc mười mấy tầng. Tôi nhìn bao quát cảng Dover với một mớ ý nghĩ hỗn độn. Tôi nhìn vách núi đá vôi trắng của hải cảng và “định hướng” bờ Calais của nước Pháp đối diện bên kia biển – một cử chỉ tượng trưng hơn là hiện thực để tự thầm nhắc với mình rằng ngày nhỏ một bài học Anh văn trong cuốn “l’Anglais Vivant, Class de Cinquième” – ấn bản màu xanh – của Carpentier Fialip, nếu tôi nhớ không lầm, đã cho tôi khái niệm đầu tiên về hải cảng Dover với vách núi đá vôi trắng. Hai nước Anh và Pháp cách nhau bởi biển Manche, nhưng ở điểm hai bờ gần nhau nhất là hải cảng Dover và hải cảng Calais, chỉ qua một eo biển hẹp mà ngày trước người ta gọi là Pas de Calais. Theo tôi nghĩ, cái tên, ngoài việc chỉ cái eo biển, còn hàm ý một khoảng cách hẹp chỉ một bước là đến Calais (pas, tiếng Pháp có hai nghĩa là eo biển,  và bước). Cái tên Pas de Calais lại gợi nhớ một câu chuyện khôi hài khá

thâm thúy tôi được nghe hồi ở trung học, do một vị giáo sư Pháp văn kể. Chuyện kể rằng một người Anh và một người Pháp trò chuyện với nhau. Anh chàng Pháp bảo rằng người Anh hay khôi hài, và từ khôi hài đến lố bịch chỉ có một bước. Anh chàng Anh liền đáp, “oui, c’est le Pas de Calais” (“đúng, đó là Bước Calais”).  Sau mấy lần hụ còi, con tàu từ từ rời bến. Tôi xem đồng hồ tay: đúng 4 giờ chiều. Hành khách đứng chen chúc đầy cả các hành lang, và sân thượng trên tàu để xem, chụp ảnh, và quay phim quang cảnh tàu ra khơi. Chúng tôi bắt đầu hành trình vượt Bắc Hải. Suốt đêm nay và cả ngày mai là thời gian hải hành trên đường đến hải cảng Warnemunde, Đức. Khách được thông báo: khuya nay vặn đồng hồ lên 1 giờ.

image001.jpg

Hải cảng Dover có đặc điểm địa hình dễ nhận là vách núi đá vôi trắng


Trên Bắc Hải ngày 3/9/2007

        Chúng tôi đã đón bình minh trên Bắc Hải. Suốt đêm qua tàu cứ chòng chành. Không biết có phải tháng này là mùa biển động, hay biển ở đây vẫn ở trong tình trạng như thế thường trực – chả bù với những lần chúng tôi xuôi tàu êm ái trên biển Trung Mỹ (Caribbean sea) vào mùa hè.

        Vào khoảng 1 giờ 15 chiều sinh hoạt trên tàu bỗng rộn rịp lên; loa phóng thanh thông báo tàu chuẩn bị vào kênh đào Kiel để chuyển qua biển Baltic. Mọi người đổ xô lên sân thượng quan sát. Cột viễn thông/ra-đa trên tàu được hạ nghiêng một góc độ vừa đủ thấp, và chùm ống khói tàu được lật ngược xuống để giảm cao độ – tất cả để chuẩn bị cho tàu sẽ chui qua các cây cầu bắt ngang con kênh. Đúng 3 giờ 30 phút con tàu từ từ tiến sát cửa kênh đào Kiel. Chờ! Nước trong ngăn thứ nhất được cho dâng cao bằng mặt biển. Tàu đi qua. Rồi đến ngăn thứ hai cũng thế. Sau đó con tàu ung dung xuôi dòng kênh. Dân hai bên bờ đứng xem, vẫy tay, phất cờ Đức và cờ Mỹ. Ô hay, tại sao lại là cờ Mỹ? Nhớ lại đêm trước một nhân viên trên tàu đã cho chúng tôi biết một con số thống kê có ý nghĩa : 50% khách trên du thuyền tuyến đường này là từ Mỹ. Trên bờ có cả dàn nhạc với nhạc cụ và đồng phục giống như một ban quân nhạc, trỗi những nhạc khúc tuy không quen thuộc nhưng nghe vui tươi khoan khoái như những lời chào mừng. Không biết có sự phối hợp nào giữa đám đông địa phương kia với giới chức trên tàu hay không, nhưng quang cảnh thật thú vị cho du khách đứng xem. Kênh đào Kiel! Lần đầu tiên tôi mới biết sự hiện hữu của con kênh này. Suốt những năm tháng ở ghế nhà trường, và mãi đến sau này, tôi chẳng bao giờ nghe nói đến nó. Tưởng rằng thế giới chỉ có kênh Suez và Panama. Kênh Kiel dài 61 miles (101 cây số), bắt đầu gần cửa sông Elbe đổ ra Bắc Hải,  chạy từ tây sang đông bắc gần hải cảng Kiel thuộc cực bắc Đức. Con kênh nối liền Bắc Hải với biển Baltic, rút ngắn hành trình cho tàu bè khoảng 250 hải lý (tương đương 412 cây số), vì khỏi phải đi vòng lên mũi Skaw, Đan Mạch. Tham chiếu bản tin hằng ngày phát cho khách trên tàu tôi được biết thêm kênh Kiel đuợc đào từ năm 1887 đến năm 1895, rộng 338 feet (khoảng 112 thước), sâu 37 feet (khoảng 12 thước), có bảy chiếc cầu bắt ngang, mỗi cầu cao 140 feet (khoảng 46 thước). Vận tốc ấn định cho tàu bè đi qua kênh là 8 hải lý/giờ ( khoảng 15 cây số), và trung bình hành trình qua kênh phải mất từ 7 đến 8 giờ. Hóa ra kênh Kiel không vô danh chút nào – chẳng qua mình ít kiến thức phổ thông – vì nó lớn hàng thứ nhì, sau Suez, và là con kênh bận rộn nhất thế giới (trung bình hằng năm có 38,000 chiếc tàu đi qua)! Trước tiên, người Đức đào con kênh vì mục đích quân sự. Sau Thế Chiến thứ nhất, hiệp ước Versailles đã quốc tế hóa kênh Kiel; nước Đức chỉ quản trị hành chánh, tàu bè các nước đi qua kênh chỉ chịu sự kiểm soát về quan thuế, an ninh trậtä tự, và về các vấn đề vệ sinh. Dưới thời Hitler, con kênh thuộc độc quyền của nước Đức. Sau Thế Chiến thứ hai, kênh Kiel trở lại quy chế quốc tế. Trong thời kỳ nước Đức bị phân chia, điều may mắn cho Thế Giới Tự Do là kênh Kiel không có đoạn nào phải đi qua địa phận Đông Đức thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cộng sản; vì nếu có thì sự thông suốt của nó chắc đã không còn – tôi muốn nói kênh Kiel chắc đã mất công dụng một thời gian dài! Theo dự tính, 12 giờ khuya nay tàu sẽ qua khỏi kênh Kiel, và vào biển Baltic. Chúng tôi không định thức đến giờ đó.

                       image002.jpg            image003.jpg

Ống khói tàu được lật ngược để tàu có thể đi qua cầu trên kênh Kiel                        Một du thuyền đang lướt qua cầu trên kênh Kiel

Hải cảng Warnemunde, và thủ đô Bá Linh, Đức, ngày 4/9/2007

        Bảy giờ sáng tàu cập hải cảng Warnemunde của Đức, sau 39 giờ hải hành từ Dover, Anh. Như vậy, theo dự tính, tàu chúng tôi đã vào vùng biển Baltic, gần hải cảng Kiel, từ khuya nay rồi, và bây giờ thả neo ở đây, Warnemunde. Vùng này trước kia thuộc chính quyền Đông Đức. Warnemunde vốn là một hải cảng im lìm đang ngủ yên trong một đất nước thiếu phồn thịnh, bỗng trở thành một cảng nhộn nhịp, lớn hàng thứ năm trong cả nước từ khi nước Đức thống nhất. Theo tài liệu du lịch, được biết Warnemunde có những bãi tắm lý tưởng nhất trong toàn vùng, và đã là nơi nghỉ mát từng dành riêng cho cán bộ cao cấp trong chính quyền Đông Đức trước đây. Chúng tôi không có nhiều thì giờ ở đây, vì phải đáp xe lửa đi Bá Linh, mục tiêu đầu tiên của chuyến đi.

image004.jpg

Một đoạn bức tường Bá Linh còn lại (nhìn từ phía Tây Bá Linh),

đất dụng võ của nghệ sĩ vẽ bậy (graffiti artists).

        Sau ba giờ ngồi xe lửa, chúng tôi đã tới ga Bá Linh. Người hướng dẫn du lịch, một phụ nữ Mỹ trẻ, đã vui vẻ đón chúng tôi. Bá Linh vừa là thủ đô, vừa là đô thị lớn nhất của Đức. Nhưng chúng tôi không chú ý đến khía cạnh đó. Đến Bá Linh, tôi bận tâm đến một dĩ vãng của nó hơn – một thời đại tuy mình không cùng  chia xẻ với nó, và tuy mình không hoàn toàn đủ khôn lớn để hiểu hết mọi sự việc – thời của bức tường Bá Linh. Chúng tôi được hướng dẫn đi xem những chứng tích còn lại từ thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây Đức (thực chất là giữa Đông và Tây của thế giới!), nào cổng Brandenburg (biểu tượng từ nghìn xưa của Bá Linh và là cửa ngỏ vào tỉnh bang Brandenburg của Đông Đức), nào mô hình trạm kiểm soát Charlie của quân đội Mỹ (cửa ngỏ cho nhân viên Đồng Minh và du khách không mang quốc tịch Đức ghi danh để viếng Đông Bá Linh, nào viện bảo tàng Đồng Minh, v.v., nhưng bức tường Bá Linh – dù chỉ còn vài đoạn ngắn – vẫn cuốn hút và gây xúc động đối với tôi hơn cả. Bức tường Bá Linh không giống như trí tưởng mình vẽ vời ; nó không đơn giản là một bức tường phân chia Đông và Tây. Các bản đồ du lịch cho thấy đó là bức tường bao quanh khu Tây Bá Linh (vì Bá Linh nằm sâu trong lãnh thổ Đông Đức do Nga Sô kiểm soát, và khu Tây Bá Linh gồm các khu vực đóng quân của Mỹ, Anh, và Pháp ; Nga đóng bên Đông Bá Linh). Như vậy, để định nghĩa bức tường Bá Linh một cách tượng hình hơn, ta có thể nói đó là bức tường tách rời Tây Bá Linh với Đông Bá Linh, và với lãnh thổ Đông Đức chung quanh. Tưởng cũng cần nhắc lại, bức tường này do chính quyền Đông Đức xây năm 1961, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tây Đức và Hoa Kỳ. Nhìn một đoạn tường còn lại chạy song song với đường phố, tôi chạnh nghĩ đến những người dân Đông Đức đã ngã gục quanh dãy tường thành dài 45 cây số từng được gọi «bức tường ô nhục». Nhân chuyến đi thăm Bá Linh, tôi mới có dịp ngồi xe lửa xuyên một vùng của Đông Đức cũ để thấy ít nhiều dấu vết còn để lại từ một chế độ đã cáo chung: nhìn bộ mặt nông thôn trãi dài hai bên đường tàu đi qua, chúng tôi thấy một sự tương phản với khung cảnh trù phú của nông thôn trên những đoạn đường trong vùng Tây Đức mà tôi đã có dịp đi qua.

        Sau sáu giờ thăm viếng Bá Linh, chúng tôi lại đáp xe lửa về lại hải cảng Warnemunde. Chín giờ đêm nay tàu sẽ nhổ neo đi Tallinn, Estonia. Khách được thông báo: khuya nay vặn đồng hồ tới 1 giờ.

Trên biển Baltic ngày 5/9/2007

        Suốt ngày và đêm nay hải hành trên Baltic.

Tallinn, Estonia, ngày 6/9/2007

        Tám giờ sáng tàu cập hải cảng Tallinn, thủ đô của Estonia, một nước trong Liên Bang Xô Viết trước kia. Tám giờ rưỡi đi xem khu phố cổ ở Tallinn. Estonia là một nước tý hon với dân số hơn một triệu người, nằm bên bờ biển Baltic, tiếp giáp Nga. Nhìn tổng quát lịch sử nước này, người ta thấy từ năm 1219 nền độc lập của Estonia đã bị mất do cuộc xâm lăng của Đan Mạch. Rồi từ đó trãi qua bảy thế kỷ liên tiếp đất nước này bị ngoại bang đô hộ (hết Đan Mạch, đến Đức, đến Thụy Điển, rồi đến Nga). Mãi đến năm 1918 Estonia mới được độc lập trở lại. Nhưng đến năm 1940 lại bị Nga đô hộ nữa, rồi bị dày xéo dưới gót giày của Đức quốc xã. Sau thế chiến thứ hai Estonia lại rơi vào vòng cai trị của Liên Bang Xô Viết cho đến năm 1991 lúc Liên Xô tan rã mới thực sự được độc lập. Năm 1997 khu phố cổ của thủ đô Tallinn được tổ chức Văn Hóa và Giáo Dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, gồm những công trình xây cất, những đường phố, những con hẽm còn lại từ thế kỷ 13, 14. và chắc chắn còn phản ảnh sự pha trộn của các nền văn hóa, nghệ thuật đã từng ngự trị ở đây một thời. 

     image005.jpg   image006.jpg

Một con hẽm trung cổ của thủ đô Tallinn, Estonia                                             Một phố trung cổ của Tallinn, Estonia

 

Tôi chưa từng thấy một khung cảnh cổ xưa nào đầy nét lãng mạn như nơi đây. Tôi liên tưởng đến đô thị cổ Rothenburg ở miền nam nước Đức : cả hai nơi có nhiều nét tương đồng. Những con phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo nơi đây cũng gợi nhớ Hội An của Việt Nam mình. Ôi những đường phố trung cổ ở Tallinn thật đầy gợi cảm! Tuy nét cổ kính Phương Tây không gợi hình tượng

những mái ngói cong vuốt chạm

trỗ rồng phượng, không gợi những âm vang «trống dồn» như nét cổ Đông Phương, nhưng phố cổ Tallinn đã gợi trong tôi một thoáng bâng khuâng của lòng hoài cổ… Tôi bỗng thấy mình thầm ngâm nga mấy câu thơ của Huy Cận trong lúc đang tản bộ trên một đường phố lát đá của thủ đô xứ Estonia bên trời Bắc Âu:

                  Nghìn năm sực tỉnh lê thê
                  Trên thành son nhạt chiều tê cuối đầu
                  Bờ tre rung động trống chầu
                  Tưởng chừng còn vọng trên lầu Ải Quan
                  Đêm mơ lay ánh trăng tàn
                  Hồn xưa gởi tiếng thời gian trống dồn
        Sau khi ăn trưa tại một nhà hàng trong khu phố cổ Tallinn, đoàn du lịch chúng tôi được đưa đi thăm viện bảo tàng lộ thiên về kiến trúc nông thôn tại Rocca al Mare, một công viên ngoại ô Tallinn. Tại đây, những kiểu nhà nông thôn, những cối xay gió, dung cụ múc nước giếng,  một nhà thờ, tất cả thuộc các thế kỷ 18, 19 đã được sưu tầm từ khắp nơi trong nước Estonia và đem về đây dựng lại nhằm phục hồi một ngôi làng điển hình của thế kỷ 18-19. Ở đây du khách cũng có dịp thấy y phục xưa của phụ nữ cùng những vũ điệu cổ truyền của Estonia.

        Sau một ngày lang thang trên các đường phố lát đá, xuyên các con hẽm ngoằn ngoèo, viếng những công trình xây cất, những thánh đường xưa hằng mấy thế kỷ trong khu phố cổ của thủ đô Tallinn, và  thăm viếng đó  đây, chúng tôi về tàu, mệt nhoài nhưng hả hê. Nhát trông thấy chiếc Norwegian Dream thả neo ở quãng xa, Vincent, thằng cháu ngoại 5 tuổi của chúng tôi mừng quá (vì biết sắp được về phòng để ngủ một giấc!) không kiềm chế được, reo lên, “welcome home, welcome back!”, làm mọi người trên xe cười ầm lên, và cu cậu mắc cỡ chui xuống sàn xe… Năm giờ chiều tàu sẽ nhổ neo rời Tallinn đi St. Petersburg, cố đô Nga. Khách được thông báo : khuya nay vặn đồng hồ lên 1 giờ.

       image007.jpg   image008A.jpg

Nhà và giếng nước của nông thôn Estonia thế kỷ 18                                                Y phục và vũ điệu cổ truyền của Estonia 

St. Petersburg, Nga, ngày 7/9/2007

        Tám giờ sáng tàu cập hải cảng St. Petersburg, Nga. Tám giờ rưỡi  chúng tôi đã lên bờ để gặp người hướng dẫn du lịch (tour guide) đang chờ. 

image008.jpg

Sông nước St. Petersburg

Du khách lên các xe bus đã được ấn định, và xe chuyển bánh ; cuộc du hành cố đô St. Petersburg khởi sự. Người hướng dẫn chúng tôi là một phụ nữ Nga đứng tuổi. Bà là một giáo sư Anh văn. Chen vào những điều thuyết trình về lịch sử cố đô St. Petersburg, là những lời nói tiêu cực về tổng thống Putin, về kinh tế nước Nga. Bà cho biết lương nhà giáo của mình (800 rúp mổi tháng) chật vật, và bà phải làm ngoài giờ, như công việc hướng dẫn du lịch này, và cô con gái bà tốt nghiệp dược sĩ vẫn chưa có việc làm.

    image009.jpg    image010.jpg

Cung điện hoàng hậu Catherine                                                                               Một phòng trong cung điện hoàng hậu Catherine

        Có thể nói St. Petersburg là điểm đến gây náo nức trong tôi nhiều nhất trong chuyến du hành này. Qua sách báo tôi đã được đọc về một St. Petersburg đầy huyền thoại, một kinh đô gắn liền với triều đại Romanov huy hoàng trong lịch sử Nga. 

Phần lớn các đô thị trên thế giới hình thành do ngẫu nhiên của hoàn cảnh. Chẳng hạn, từ một xóm chài đông đúc trở thành một thành phố hải cảng, từ một điểm sầm uất của một nơi giao lộ mọc lên một đô thị.  St. Petersburg là một thành phố đặc biệt, không đi theo thông lệ đó. Peter đại đế (Peter the Great), một Nga hoàng của triều đại Romanov, đã chọn nơi đây làm kinh đô mới cho nước Nga từ khi nó còn là một đầm lầy! Người ta đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng St. Petersburg với đồ án thiết kế hẳn hoi.

        Ngồi trên xe từ hải cảng vào trung tâm thành phố, người hướng dẫn thuyết trình đại cương lịch sử cố đô St. Petersburg. Với 9 giờ ngắn ngủi ghé St. Petersburg, chúng tôi không thể đặt chân đến tất cả các nơi đáng xem. St. Petersburg tọa lạc trên ba hòn đảo. Chúng tôi đã dừng chân trên đảo Spit of Vasilievsky để ngắm giòng sông Neva, hai cột hải đăng từ thời thế kỷ 19 (bây giờ được giữ lại làm di tích lịch sử, và chỉ được thắp lên vào vài dịp rất đặc biệt), Cung Điện Mùa Đông, và các dinh thự khác. Chúng tôi đã có dịp trông thấy chiến hạm Rạng Đông thả neo cố định ở đây – chiếc tàu chiến đã bắn phát súng lệnh vào Cung Điện Mùa đông khởi đầu Cách Mạng Tháng Mười lật đổ chế độ quân chủ Nga năm 1917. 

image022.jpg
Hai cột hải đăng trên đảo St. Basil từng hướng dẫn tàu bè vào cảng St. Petersburg

hồi thế kỷ 19, nay là một biểu tượng lịch sử của cố đô Nga, và chỉ được thắp sáng

vào vài diệp rất đặc biệt. Nữ hoàng Catherine rập khuôn kiểu kiến trúc lẫn tập tục

các tượng đài cổ La-Hy dựng để lưu niệm các chiến công trên biển. Hai cột hải đăng

này xây năm 1810 để kỷ niệm chiến thắng trong trận hải chiến Nga – Thổ Nhĩ Kỳø

Tòa dinh thự xa xa tận cùng bên trái là Cung Điện Mùa Đông.

 

Chúng tôi chỉ thực sự viếng hai nơi, cung điện của hoàng hậu Catherine (không phải nữ hoàng Catherine cách hai đời sau) và thánh đường Saint Isaac, thánh đường nóc bầu dục lớn hàng thứ tư trên thế giới, sau St. Peter ở La Mã, St. Paul ở Luân Đôn, và Sta Maria del Fiore ở Florence. Cung điện hoàng hậu Catherine tượng trưng cho sự bề thế, huy hoàng của một nước Nga quân chủ, và thánh đường St. Isaac mà những hồi chuông lãnh lót vang xa đến tận vịnh Phần Lan, là biểu tượng của sự sùng đạo của nước Nga thế kỷ 19.

        Nhưng tôi vẫn thích quang cảnh phố phường St. Petersburg. Những chiếc cầu ở đây cũng giống những chiếc cầu bắt qua sông Seine của Paris, hay những cây cầu trong đô thị lắm cầu Amsterdam. Điều khác biệt là những thành cầu ở St. Petersburg có những kiểu cọ cầu kỳ – hay có nét nghệ thuật – hơn các nơi khác. Truy nguồn lịch sử St. Petersburg, được biết một điều oái oăm là Peter Đại Đế, cha đẻ của đô thị này, vốn đố kỵ cầu, và có đam mê với môn chèo thuyền và  đi thuyền buồm, đã bắt cư dân trong kinh đô chia xẻ sở thích đó, dùng thuyền bè trong sinh hoạt trên sông nước St. Petersburg. Không một chiếc cầu nào được dựng dưới thời ông trị vì! Sau khi ông qua đời, người ta mới làm ba cây cầu đầu tiên trên sông nước ở đây. Đó là ba chiếc cầu nổi, mùa đông thì tháo gở, và mùa xuân thì dựng lại. Như thế, các đời Nga hoàng sau này mới khởi sự làm cầu cho St. Petersburg

image023.jpg
Một đường phố ở St. Petersburg

Ngày nay cố đô Nga có một trăm năm mươi cây cầu, trong đó  chín cầu có thể kéo lên được (draw bridges) cho tàu bè lưu thông. Lịch sử cũng ghi lại rằng trong những tháng năm du hành Âu châu sau khi lên ngôi năm 1703, Peter Đại Đế đã xem Amsterdam là kiểu mẫu thiết kế đô thị ưng ý  nhất, và quyết xây St. Petersburg theo cảm hứng đó. Tôi bỗng thấy thoãi mái với sự kiện trên, vì nó giúp giải đáp thắc mắc tại sao chọn một vùng đầm lầy để xây thành phố. Vị Nga hoàng đã muốn thủ đô mới của mình có nhiều sông nước như Amsterdam!

        Và như vậy chấm dứt ngày đầu tiên ở St. Petersburg.

image024.jpg
Chiến hạm Rạng Đông thả neo cố định trên sông Neva
như một mẫu lịch sử sống: phát súng bắn vào Cung Điện
Mùa Đông tháng 10, 1917 đã thay đổi vận mệnh nước Nga!

St. Petersburg, Nga, ngày 8/9/2007

        Chiếc du thuyền Norwegian Dream của chúng tôi còn thả neo suốt ngày hôm nay nữa ở St. Petersburg; đến bảy giờ tối mới nhổ neo đi Helsinki, Phần Lan. Suốt ngày hôm qua bận rộn theo đoàn du khách viếng nhiều nơi của cố đô Nga, chúng tôi quên khuấy việc nhặt một mẫu đá đem về làm kỷ vật của một lần ghé đây – một điều chúng tôi vẫn làm mỗi lần đặt chân lên một đất nước nào lần đầu. Mới ba giờ chiều. 

image025.jpg
Pháo đài Peter và Paul (Peter & Paul Fortress) là công trình xây cất đầu tiên
khi Peter Đại Đế khởi công xây thành phố St. Petersburg. Pháo đài này có
nhiệm vụ bảo vệ vùng thủ đô tương lai đề phòng quân Thụy Điển tấn công.

Còn ba giờ nữa tàu mới rút cầu, đóng cửa để bảy giờ tối rời bến. Tôi bước ra khỏi tàu, lên bờ, định ra cổng nhặt một hòn đá lưu niệm, nhưng cô nhân viên quan thuế Nga đòi phải có visa do Nga cấp mới ra cổng được, mặc dù tôi xuất trình passport có đóng dấu của quan thuế Nga ngày hôm qua khi đi trong đoàn du khách. Thì ra tôi đã «đổ bộ» lên đất Nga bằng visa tập thể do phòng du lịch của hãng Norwegian Cruise Line đảm trách, còn hôm nay tôi đi riêng rẻ một mình lại là một chuyện khác. Nhân nói đến nhân viên quan thuế Nga tại hải cảng, tôi nhớ lại thái độ của các cô này ngày hôm qua khi đóng dấu vào từng passport của chúng tôi. Tôi «cảm» được lối làm việc chiếu lệ khi họ chẳng buồn nhìn ảnh trên giấy tờ và chẳng buồn nhìn người xuất trình passport. Mặt mày các nàng thì lạnh như tiền. Đã thế, nếu có một người khách hơi chậm chân một tí thì các cô nhíu mày, khoát tay ra vẻ khó chịu!

        Suốt ngày nhàm chán trên con tàu đỗ tại hải cảng St. Petersburg, chúng tôi mới thấy mình đã sai lầm không ghi danh mua một chương trình du ngoạn nữa hôm nay. Đứng nhàn nhã trên lan can tàu nhìn những hoạt động của hải cảng mình mới có dịp kiểm nghiệm điều đã đọc trên sách báo: quả đúng, St. Petersburg là hải cảng lớn nhất của Nga ngày nay ; hàng hóa lên tàu, xuống tàu tấp nập từ sáng đến chiều. Tôi thấy những thùng sắt lớn mang  tên các công ty quen thuộc bên Mỹ như Cosco, Hanjin, v.v. Về phòng, lôi mấy cuốn sách báo bằng Anh ngữ mua ngày hôm qua tại một quán sách ra đọc để giết thì giờ. Trong cuốn sách viết về St. Petersburg, tôi ngạc nhiên tìm thấy một đoạn «ghi công» Lenine đã lập ra nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới! Tôi không rõ người Nga ngày nay nghĩ gì về vai trò lịch sử của cách mạng Tháng Mười, công hay tội? Và tại sao không tiếp tục «sự nghiệp» đó ?

        Bước vào một quầy rượu trên tàu định tìm một chút gì giãi khát, tôi chợt thấy mấy chai bia với hàng chữ Baltika, bèn nẩy ra ý nghĩ uống thử bia Nga. Nồng độ nặng hơn Heineken nhiều. Tôi ngạc nhiên, cầm chai bia lên và đọc kỹ các giòng chữ trên nhãn hiệu : 7,0% vol. Thảo nào! Heineken của Hòa Lan, cũng như bia của nhiều nước trên thế giới, có nồng độ là từ 5,2% vol. đến 6,00% vol. Bia Baltika đã mạnh như vậy, mà dung tích lại gần gấp rưỡi chai bia tiêu chuẩn trên thế giới – 500ml so với 355ml – cho nên «vất vả»  lắm tôi mới uống hết một chai.

        Buổi tối, cùng một người bạn đồng hành từ Philadelphia, PA., chúng tôi vào thưởng thức món ăn Pháp tại một nhà hàng Pháp trên tàu (khoản này không gồm trong chi phí ẩm thực đã được trả trước, khi mua vé du lịch tàu biển (cruise). Hai cô gái Roumanie khả ái tiếp khách. Tôi thực tập chữ «cám ơn» đã học trước đó mấy phút, multumesc. Hiệu quả! Các cô hiểu ngay và mĩm cười rất tươi. Kế tiếp, một cô hỏi – dĩ nhiên bằng tiếng Anh – tôi có muốn rắt tiêu bột vào súp không. Tôi lại có dịp thực tập tiếng Roumanie nữa, un pit. Lại hiệu quả nữa, cô ta chỉ rắc bột tiêu phơn phớt vào chén súp. Có điều tôi không chắc đã viết đúng chữ un pit, vì đoán theo phát âm thôi, còn chữ multumesc thì tôi sao chép không sai một ly, vì vẫn còn trong túi áo mảnh giấy với bút tự của «thầy dạy». Qua hai từ ngữ Roumanie trên đây, tôi nghĩ rằng ngôn ngữ này có chút gì gần với tiếng Pháp, multumesc/merci và un pit/un peu.

        Khách được thông báo khuya nay vặn đồng hồ lui lại 1 giờ

       

Helsinki, Phần Lan, ngày 9/9/2007

        Tám giờ sáng tàu cập hải cảng Helsinki, Phần Lan. Chúng tôi có nhiều thì giờ thư thả, không vội lên bờ như các bến khác, vì chương trình thăm viếng Helsinki mà chúng tôi tham dự sẽ khởi hành lúc một giờ chiều. Được biết, tuy Helsinki tọa lạc tận miền nam Phần Lan, đó là thủ đô cực bắc nhất ở Âu châu – trên 60 vĩ độ bắc, cùng vĩ độ với thị trấn tìm vàng Skagway ở tiểu bang Alaska. Chúng tôi có ba giờ thăm viếng thủ đô này. Helsinki được xem là một trong số các hải cảng đẹp nhất thế giới. Vào đầu thế kỷ 19, dưới thời cai trị của Nga, thành phố đã được chỉnh trang lại, và người được xem đã đem lại bộ mặt tân cổ điển (neo classical) độc đáo cho Helsinki là nhà kiến trúc lừng danh Đức, Carl Ludwig Engel. Chương trình du ngoạn này nhằm cho du khách xem nhiều điểm kiến trúc điển hình của thành phố được mệnh danh là «đô thị trắng của phương  bắc» (white city of the North). Chúng tôi cũng đã viếng quãng trường Senate Square, khu chợ trời nhiều màu sắc gần đấy, vận động trường của thế vận hội 1952, và công viên Sibelius (mang tên nhà soạn nhạc nổi tiếng Phần Lan, Jean Sibelius). Trong các thủ đô của vùng Baltic, Helsinki là một đô thị khác hẳn, không có một nét gì đồng dạng với các đô thị trong vùng; nó tổng hợp giữa cũ và mới, giữa đô thị và đồng quê, một thành phố với nhà cửa kiến trúc tân kỳ, đại lộ thênh thang nhưng vẫn  yên tĩnh, không ồn ào, không xô bồ như những đô thị khác trên thế giới.

 

image026.jpg

Một đường phố của Helsinki

Khu chợ trời với những căn lều nhiều màu sắc đã đập vào thị giác du khách. Hàng hóa thì thượng  vàng hạ cám, từ cây kim sợi chỉ, áo quần giày giép, đồ điện tử, đến rau cải, v.v., một điều gợi nhớ chợ trời Queen Victoria ở Melbourne, Úc châu. Một ngạc nhiên thú vị là chúng tôi đã gặp một cô gái Việt Nam phụ trách gian hàng rau cãi ở đây. Lân la hỏi chuyện, được biết tuổi cô mười tám, sinh ra trên đất nước này, chưa biết gì về đất nước Việt Nam, nhưng nói tiếng Việt khá trôi chảy, với âm hưởng giộng Huế. Tôi thấy vui vui và bồi hồi làm sao ấy, vì tận xứ bắc Âu xa xôi lạnh giá này vẫn nhìn được một dáng dấp Việt Nam, nghe được tiếng Việt líu lo trầm bổng. Tôi ngẫm nghĩ, do một biến cố lịch sử trong nửa cuối thế kỷ 20 mà người Việt tung bay khắp bốn phương trời.

 

image011.jpg

Các dinh thự tại quãng trường Thượng Viện (Senate Square) với lối kiến trúc
tân cổ điển (neoclassical) là dấu ấn lưu lại của nhà kiến trúc Carl Ludwig Engel

        Đối với tôi, Helsinki còn gắn liền với tên tuổi một người Việt khác chỉ qua một bài tùy bút về phở viết tại đây trong những ngày tác giả héo hắc nhớ món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc:  Nguyễn Tuân. Tôi đọc thiên tùy bút ấy có lẽ đã trên bốn mươi năm, trên đặc san «Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc» do bộ thông tin Việt Nam Cộng Hòa ấn hành, và còn giữ trong trí một ấn tượng dài lâu cho đến bây giờ. Trước ngày lên đường chu du Bắc Âu, biết mình sẽ ghé Helsinki, tôi đã lục tìm trên trang nhà Talawas bài «Phở» của Nguyễn Tuân. Tác giả đã đi trong phái đoàn do chính phủ Hà Nội gửi sang công cán ở Phần Lan sau hiệp định đình chiến Genève 1954 về chiến tranh Đông Dương. Ông cho biết măïc dù ăn uống «thừa thãi bổ béo», nhưng sao không thấy ngon, vẫn thấy «nhớ thương một cái gì xa xôi lắm». Và tác giả đã tìm ra nguyên ủy của vấn đề: «chúng tôi đã kéo cuộc nhàn đàm xoáy vào chuyện ẩm thực và muốn giúp đỡ nhau tìm hiểu vì đâu mà lâu nay ăn uống kém ngon. Có người bèn chỉ tay thẳng xuống nền cỏ bờ hồ Phần Lan, buông thõng một câu:’bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên bờ hồ này thì tớ đá luôn sáu bát!’. Tất cả đều rao lên. Thì ra gần đây chúng tôi héo hắt đi vì xa đất nước, khẩu vị lạc điệu, thấy nhớ nhà nhớ nước, trong cái nhớ nhà nhớ nước có cả một sự nhớ ăn phở nữa. Hình ảnh bát phở quê hương đưa ra lúc ấy giải quyết đúng vào thắc mắc chung của mấy người. Tất cả đều  thi nhau đề cao những đức tính của phở dân tộc.» Và tiếp theo sau đó là một bài tùy bút miên man về phở.

image012.jpg
Giáo đường Tin Lành này tại quãng trường Thượng Viện là một kiến trúc
khác ở Helsinki mang đậm đường nét tân cổ điển của Carl Ludwig Engel

 image027.jpg   image028.jpg    
                 Một cô gái Việt tháo vát tảo tần ở thủ đô Helsinki, Phần Lan                    Đường Mannerheim, phố chính của Helsinki


        Lần sơ ngộ của chúng tôi với Helsinki là như thế. Không hẹn, nhưng chúng tôi mong sẽ có dịp trở lại, vì thủ đô này có những nét duyên dáng «ngầm».

        Bốn giờ rưỡi chiều tàu sẽ rời Helsinki đi Stockholm, Thụy Điển. Khách được thông báo khuya nay vặn đồng hồ lui lại một giờ.

Stockholm, Thụy Điển, ngày 10/9/2007

        Chín giờ sáng tàu cặp hải cảng Stockholm, Thụy Điển.

        Mười giờ bốn mươi lăm chúng tôi tham dự chương trình du ngọan dài ba giờ. Stockholm, thủ đô của vương quốc Thụy Điển, chẳng nhắc nhở điều gì đặc biệt trong tôi như St. Petersburg và Helsinki, vì thực ra nó chẳng có gì đặc biệt để tôi đọc và tìm hiểu như đối với St.  Petersburg, và cũng chẳng có chút gì dính dáng đến Việt Nam như Helsinki. Thế nhưng Stockholm đã được sắp hạng là một trong những đô thị đẹp nhất thế giới. Tọa lạc trên 14 hòn đảo, và nước bao phủ một phần ba diện tích thành phố, nên ở đây có lắm cầu và lắm bến tàu. Stockholm được mệnh danh là thành phố nổi. Nước thì rất sạch, đến độ người ta có thể uống được, và giữa đô thị người ta còn câu được cá salmon.

        Khởi đầu chương trình du ngoạn, du khách ngồi xe lên đến Fjallgatan để nhìn bao quát thành phố Stockholm. Tiếp tục, xem tòa thị chính ngạo nghễ, nổi tiếng với lối kiến trúc, với những bích họa (murals), và nổi tiếng vì là nơi những buổi lễ trao giải Nobel được tổ chức. 

image017.jpg

 Hải cảng Stockholm, Thụy Điển

Hoàn thành năm 1923, tòa nhà này là kết quả của mười hai năm làm việc của nghệ nhân và nghệ sĩ Thụy Điển. Đi xuyên qua khu trung tâm thành phố đến đảo lân cận Djurgarden, chúng tôi viếng viện bảo tàng Vasa nơi trưng bày chiến hạm Vasa, một thời được coi là chiến hạm lớn nhất thế giới, đồng thời là niềm tự hào của hải quân Thụy Điển vào thế kỷ 17. Chiến hạm này đã bị chìm ở hải cảng vòng trong của Stockholm trong chuyến hải hành đầu tiên năm 1628. Chiếc tàu được tìm thấy năm 1956, và việc thu hồi nó năm 1961 là một trong số các sự kiện quan trọng nhất trong ngành khảo cổ hải dương. Được khổ công khôi phục trở lại gần như nguyên trạng, chiến hạm Vasa tượng trưng cho một mẫu lịch sử sống trung thực. Rời chiến hạm Vasa, trên đường trở về tàu, chúng tôi đi ngang qua một khu phố xưa thời trung cổ, khu Gamla Stan. Những đường phố lát đá và nhà cửa ở đây gợi nhớ khu phố cổ của thủ đô Tallinn nước Estonia mà chúng tôi đã ghé qua.

  image029.jpg   image030.jpg
                                 Một góc bên trong tòa thị chính Stockholm                                                 Một đường phố ở thủ đô Stockholm

Bốn giờ rưỡi chiều tàu nhổ neo rời Stockholm để đi Copenhagen, Đan Mạch. Một cánh chim hải âu lẻ loi lượn vòng vòng trên biển, bên hông tàu gợi nhớ mấy câu ca trong bản «Khúc Nhạc Ly Hương» của Lâm Tuyền:

Biển gầm mênh mông
Không nơi ngừng cánh tránh gió táp
Giọng cười the thé với sóng gào
Đời ta như cánh gió theo tàu đi muôn phương

Nhân nhắc đến ca khúc nêu trên của Lâm Tuyền mà tôi đã yêu thích từ những ngày xa xưa, tôi muốn tản mạn một chút về nguồn cảm hứng của người nhạc sĩ này. Cảnh hoàng hôn trên biển cả quả thật đã có những tác động đặc biệt vào tâm hồn ông. Nó không chỉ thôi thúc mộng hải hồ trong ông:

Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn
Chơi vơi hồn ai đến chốn xa xăm
Khuất bóng kim ô chiều tàn lâm ly
Mây trời bao la

mà còn là nguồn cảm hứng dẫn dắt ông quay về:

Rồi một hoàng hôn ta sẽ hồi hương
Trờ về quê xưa bên bao tình thương
Bao con bườm xưa đến đón cố nhân
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong
Mây trời bao la

Copenhagen, Đan Mạch, ngày 11/9/2007

        Bảy giờ tối tàu cặp bến cảng Copenhagen. Vì tàu đến ban đêm, mọi cuộc du ngoạn phải chờ sáng mai, 12/9/2007, mới thực hiện được. Tuy nhiên, trong khi chờ sáng hôm sau tham dự cuộc du ngoạn chính thức, du

khách có thể mua chương trình du ngoạn phụ để đi xem Tivoli Gardens đêm nay, $29.00 mỗi người. Lần đầu tiên tôi được thấy Tivoli Gardens – tương tự Disneyland ở Mỹ nhưng qui mô hơn, một trung tâm văn hóa và giải trí lộ thiên cho cả con nít và người lớn. Tivoli Gardens nổi tiếng từ hơn một trăm năm mươi năm nay, không chỉ ở Đan Mạch, mà cả thế giới nữa. Thoạt tiên nó có tên gọi «Tivoli &Vauxhall», trong đó Tivoli là tên mượn từ jardin de Tivoli ở Paris, và Vauxhall là tên khu vườn ở Luân Đôn. Thực ra người Pháp đã vay mượn tên thành phố Tivoli của Ý để đặt tên cho công viên của họ. Lịch sử hình thành Tivoli Gardens có một điểm đặc biệt là mọi sự khởi đi từ một lời nói bất hủû. Số là người cha đẻ của Tivoli Gardens, Georg Carstensen, có ý niệm trong đầu về một trung tâm giải trí rộng lớn, nhưng lại thiếu «đất dụng võ». Ông đã trình với vua Christian VIII rằng khi dân chúng có nơi vui chơi, giải trí thì họ không nghĩ đến chính trị. Nhà vua liền hạ sắc chỉ cho ông quyền khai thác khu điền sản rộng trên 15 acres của một công sự cũ bên ngoài Cửa Tây của thủ đô Copenhagen để lập trung tâm văn hóa và giải trí độc đáo nhất thế giới. Tiền mướn đất mỗi năm là 945 croner. Tivoli Gardens được khánh thành ngày 15 tháng 8, năm 1843 và lập tức đã gặt hái thành công vang dội khắp nơi. Hơn một thế kỷ sau, tại Mỹ, Walt Disney đã lấy cảm hứng và ý niệm từ Tivoli Gardens của Đan Mạch để lập ra Disneyland. Tôi thường nghe nói dân Đan Mạch thích du hí, giải trí về đêm, và hôm nay có dịp bước đi trên những hè phố đêm của thủ đô đất nước Đan Mạch, và hòa mình vào rừng người trong khu giải trí Tivoli Gardens tôi mới thấy điều đó đúng. Ngồi trên xe trở về tàu, chúng tôi có dịp nhìn thủ đô Copenhagen về đêm : khá đẹp.

   image031.jpg     image032.jpg
                                   Trung tâm giải trí Tivoli ở Copenhagen                                                                Copenhagen, thủ đô Đan Mạch về đêm

Copenhagen, Đan Mạch, ngày 12/9/2007

        Tám giờ rưỡi sáng chúng tôi lên bờ, tham dự chương trình du ngoạn THE BEST OF COPENHAGEN – CITY & HARBOR, một cuộc viếng thăm thủ đô Đan Mạch ba giờ đồng hồ. Thủ đô Copenhagen

 là mãnh đất thần thoại của lâu đài, của giếng phun, và của bông hoa. Nơi này cũng là không gian trong kịch bản Hamlet của Shakespeare. Pho tượng Cô Bé Người Cá (The Little Mermaid) là nơi du khách rất thích chụp ảnh. Do cảm hứng từ cuốn sách của Hans Christian Andersen, tượng Cô Bé Người Cá đã trở thành biểu tượng của Copenhagen. Một cảnh trí chụp ảnh ưa thích khác là những tòa nhà nhiều màu sắc dọïc các kênh đào. Chúng tôiđã được xem những cảnh trí đó, và vài dinh thự xưa. Đó là tất cả những gì tôi ghi nhận về thủ đô Copenhagen sau chuyến viếng thăm thành phố hôm nay. Thế nhưng một mẫu ký ức đã lùi xa trong quên lãng nay bỗng trở về với phố phường, sông nước Copenhagen được trông thấy lần đầu. Tôi nhớ lại bốn mươi bảy năm trước tại Sài Gòn, trong căn nhà trọ học ở đường Trương Minh Giảng mình đã ngồi nắn nót những dòng thư bạn bốn phương quốc tế (international pen pal correspondence) bằng Anh ngữ gửi đi Copenhagen cho một ai đó với cái tên rất Đan Mạch, Margit Jeppesen. Tôi có thể hình dung lại khuôn mặt một thiếu nữ da trắng tóc vàng cắt ngắn – một khuôn mặt bình thường như bao cô gái Tây phương khác. Và bức ảnh học trò của tôi ngày ấy cũng đã bay đến đô thị bắc Âu này. Và tâm hồn lãng mạn của cậu học trò mới lớn cũng đã từng  chắp cánh cho tôi bay bổng, chu du trong trí tưởng sang tận thủ đô của nước Đan Mạch xa xăm nghìn trùng ấy. Tôi nhìn bến Chợ Cá Gammel Strand tấp nập tàu bè nhỏ, những nóc lâu đài in hình trên bầu trời xanh lơ, nhìn con phố Stroget nhộn nhịp khách bộ hành, và tự hỏi những phong thư mang hơi hướm bắc Âu mà tôi nhận đều đặn ở Sài Gòn đầu thập niên 1960 đã đến từ khung cảnh này sao? Tôi đã là một international pen pal từ Miền Nam Việt Nam. Người bạn bốn phương chưa một lần gặp mặt, Margit Jeppesen, mà bây giờ có thể là một Mrs. Margit Andersen, hay một Mrs. Margit Christian, v.v., nếu còn trên cõi đời này, đang ở đâu và có biết chăng cuối cùng tôi đang có mặt ở đây, giữa phố phường Copenhagen?

          image033.jpg      image034.jpg
                             Tượng cô gái người cá                                                      Những ngôi nhà nhiều màu sắc trên sông nước Copenhagen
                              là biểu tượng của Copenhagen                                       là một cảnh trí chụp ảnh yêu thích của du khách

        Chúng tôi về đến tàu lúc 11 giờ rưỡi. Mười hai giờ trưa tàu sẽ rời bến, trở lại Bắc Hải để về lại hải cảng Dover, Anh quốc.


Trên Bắc Hải, ngày 13/9/2007

        Từ trưa hôm qua tàu đã ra khơi. Suốt ngày và đêm nay vẫn còn là thời gian hải hành trên Bắc Hải.

        Sau bửa ăn tối, chúng tôi đi đến rạp xem trình diễn văn ngệ. Chương trình đêm nay có vẻ đặc biệt hơn mọi hôm, vì ngoài các màn trình diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, có tiết mục dành cho khách lên thi thố sở trường của mình.

 

image035.jpg

Hoàng hôn trên biển Baltic – ngoài khơi Phần Lan

Một đấng mày râu từ Brasil, tuổi vào khoảng trên sáu mươi, đã độc tấu tây ban cầm bản Espana Cani. Cả rạp im phăng phắc – tôi có cảm tưởng mọi người đều nín thở để thưởng thức, vì chính tôi cũng đang nín thở (không phải để qua sông!). Màn trình diễn chấm dứt, người ta vỗ tay muốn vỡ rạp. Quay nhìn một lượt kháp rạp, tôi bỗng hiểu vì sao bản đàn đã khích động người nghe đến thế: hầu hết khán giả ở vào tuổi trên sáu mươi, và đây là nhạc khúc quen thuộc từ khung trời tuổi trẻ của họ – và của tôi nữa. Chưa hết, một ông «mầm già» khác từ Illinois, Mỹ, vừa ca vừa tự đệm đàn một bản rất quen thuộc, hình như «Marianne» thì phải.

                           All day all night Marianne

                           Down by the seaside sift in sand…

Sự tán thưởng cũng không kém nồng nhiệt  như màn độc tấu trước. Dàn nhạc bỗng trỗi bản “Apache”, rồi các vũ công của tàu xuất hiện. Khán giả vỗ tay, reo hò để chào đón. Tôi nghĩ, người ta đã cố ý cống hiến âm nhạc cho một lứa tuổi. Đây cũng là một bản nhạc thịnh hành của thập niên 1960. Tuổi trung bình của khách trên du thuyền này, theo tôi, có lẽ vào khoảng sáu mươi. Thật tương phản với các chuyến đi trước của chúng tôi trong vùng Bahamas (Trung Mỹ): một tập thể khách với phần lớn trẻ hơn nhiều. Bỗng dưng tôi thấy rõ hai hành trình của tuổi già và tuổi trẻ – một đàng đi để thăm viếng, khám phá, và một đàng đi để tận hưởng thiên nhiên trên các hải đảo thần tiên… Tôi nhìn không khí vui nhộn trong rạp trên con tàu đang bồng bềnh rẽ sóng giữa biển khơi trong đêm tối mà thấy lòng lâng lâng một niềm khoái cảm không tên. 

 

image036.jpg

Tuổi trung bình của khách trên du thuyền này vào khoảng sáu mươi

Cái tập thể này có phức tạp, xa lạ vì gồm những con người đến từ nhiều vùng trên địa cầu, thuộc nhiều chủng tộc, nói nhiều ngôn ngữ, nhưng lại có một sự đồng nhất là cùng thế hệ trong cùng một môi trường văn học nghệ thuật. Tôi bồi hồi thấy mình là một phần tử trong cái khối đồng nhất ấy. Những con người với mái tóc bạc phơ hay hoa râm kia, và chúng tôi nữa, đã từng là những chàng trai trẻ, những thiếu nữ hồi thập niên 1960, và dù lớn lên từ một góc phố sương mù của Luân Đôn, hay từ một con phố rộn rịp của khu Broadway, New York, hay từ một tỉnh nhỏ êm đềm của miền nam nước Pháp, hoặc từ một Sài Gòn trong không khí chuẩn bị chiến tranh, thì tất cả đều đã lớn lên với những nhạc khúc vừa được trình diễn, nếu không muốn nói là cả nền âm nhạc của một nửa thế giới trong một thời kỳ. Tôi đoan quyết rằng những du khách từ

image037.jpg

Kênh đào Kiel là con kênh bận rộn nhất thế giới.
Trung bình mỗi năm khoảng 38000 chiếc tàu đi qua.

Đông Âu và từ Nga (như cặp vợ chồng từ St. Petersburg sáng nay ngồi chung bàn điểm tâm với chúng tôi), nếu đêm nay có mặt nơi đây thì họ cũng chỉ vỗ tay một cách vô hồn, vì tuổi trẻ của họ rất xa lạ với văn chương, thơ nhạc thập niên 1960 của thế giới Phương Tây. Tôi nghĩ đến sự nghiệt ngã của bức tường ý thức hệ do những người mác xít dựng lên trước đây mà rùng mình! Tôi lại liên tưởng đến sự kiện mới đây tại Việt Nam: một cô giáo của trường đại học sư phạm tỉnh Thái Bình đã lầm tưởng rằng Nhóm Tự Lực Văn Đoàn từng là một gánh cải lương, và Nhất Linh đã là một nghệ sĩ cải lương!

Đêm đã khuya. Chúng tôi trở về phòng, trong trạng thái dễ chịu sau một đêm vui. Còn đêm nay nữa trên biển. Sáng mai tàu về lại Dover, Anh, và những con người tứ phương tập họp trên du thuyền này vui chơi, giải trí, ghé những bến bờ xa lạ trong hơn mười ngày vừa qua, nay sẽ lại tản mác khắp bốn phương trời, mỗi người về lại cuộc sống thường nhật của mình.

Khách được thông báo khuya nay vặn đồng hồ lui lại một giờ, và để hành lý bên ngoài phòng để nhân viên tàu vận chuyển trước, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên bờ ngày mai.

Hải Cảng Dover, Anh quốc, ngày 14/9/2007

        Năm giờ sáng tàu cập hải cảng Dover, sau 41 giờ hải hành từ Copenhagen, Đan Mạch. Tổng kết, chúng tôi đã vượt khoảng trên năm nghìn năm trăm cây số trên Bắc Hải và Baltic, cả lượt đi và về. Lấy hành lý xong, chúng tôi lên xe chuyển tiếp (transfer bus) của hãng Norwegian Cruise Line để đi phi trường Gatwick/London. Đúng mười hai giờ rưỡi trưa chúng tôi sẽ đáp chuyến bay 731W của hãng US Airways để về Mỹ. Chuyến viễn du là một hành trình khám phá, kiểm chứng, và một sự trở về quá khứ đáng nhớ…

Ngày 9-12-2007

Hà Kỳ Lam

image038.jpg

SƠ ĐỒ HÀNH TRÌNH VÙNG BALTIC